Mạng lưới giao thông - vận tải (GT-VT) là một bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với mỗi địa phương, mạng lưới GT-VT gồm 2 bộ phận là mạng lưới giao thông đối ngoại kết nối với các tỉnh, thành lân cận và mạng lưới giao thông nội tỉnh, kết nối các địa phương trong tỉnh.
Mạng lưới giao thông - vận tải (GT-VT) là một bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với mỗi địa phương, mạng lưới GT-VT gồm 2 bộ phận là mạng lưới giao thông đối ngoại kết nối với các tỉnh, thành lân cận và mạng lưới giao thông nội tỉnh, kết nối các địa phương trong tỉnh.
Để có được một mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa mạng lưới giao thông đối ngoại và mạng lưới giao thông đối nội. Sự “lệch pha” giữa một trong 2 hệ thống nói trên đều có thể dẫn đến nguy cơ ùn tắc, cản trở phát triển.
Nằm ở vị trí của ngõ của đô thị TP.HCM đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế năng động nhất của cả nước, Đồng Nai được đánh giá là một đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Do đó, những năm qua, nhiều công trình giao thông mang tính kết nối vùng đã được Trung ương đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Dù vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, tuy nhiên, với những dự án đã được đầu tư xây dựng, mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh vẫn được đánh giá cơ bản đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối vùng cũng đang được triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Với tiến độ dự kiến, đến năm 2025, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn tỉnh như: sân bay Long Thành giai đoạn 1, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 2 tuyến đường vành đai 3, 4 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Lúc đó, năng lực của mạng lưới giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh sẽ càng được tăng cường.
Trong khi đó, mạng lưới giao thông nội tỉnh, kết nối giữa các địa phương trong tỉnh hiện nay lại bộc lộ khá nhiều hạn chế. Số lượng ít, quy mô nhỏ của mạng lưới đường tỉnh đang là một “trở lực” đối với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là điểm yếu về quy mô. Do được đầu tư xây dựng từ khá lâu nên phần lớn các tuyến đường tỉnh hiện nay đều có quy mô nhỏ, ít làn xe, việc lưu thông trở nên quá tải. Rõ ràng với một địa phương vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” phát triển công nghiệp, có quy mô dân số lớn thứ 5 cả nước, mạng lưới giao thông nội tỉnh hiện nay đang ở phía sau khoảng cách khá xa so với nhu cầu thực tế.
Việc nhanh chóng đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, trong đó có việc đầu tư xây dựng mới và mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện hữu là yêu cầu cấp thiết. Bởi, một hệ thống giao thông nội tỉnh đồng bộ, hiện đại không chỉ giúp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tốt hơn mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các công trình giao thông đối ngoại đã và đang được Trung ương đầu tư trên địa bàn.
Mạng lưới giao thông lâu nay vẫn được xem là “mạch máu” của nền kinh tế. Vì vậy, khi có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó có sự đồng bộ giữa mạng lưới giao thông đối ngoại và mạng lưới giao thông nội tỉnh thì động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ càng được gia tăng.
L.V