Hệ thống chợ đầu mối trong tỉnh (Hóa An) và 3 chợ đầu mối quan trọng bậc nhất trong chuỗi phân phối nông sản thực phẩm của miền Nam đóng tại TP.HCM (Thủ Đức, Bình Điền) bất đắc dĩ phải tạm dừng hoạt động đã tác động mạnh đến hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung.
Hệ thống chợ đầu mối trong tỉnh (Hóa An) và 3 chợ đầu mối quan trọng bậc nhất trong chuỗi phân phối nông sản thực phẩm của miền Nam đóng tại TP.HCM (Thủ Đức, Bình Điền) bất đắc dĩ phải tạm dừng hoạt động đã tác động mạnh đến hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung.
Gần 2 tuần qua, nhiều nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp tại nhiều vùng nông sản của Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh như: heo, gà, trái cây... cho biết họ gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước kia, khi chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động, mỗi ngày có hàng ngàn con heo được đưa đến đó để tiêu thụ đến nhiều tỉnh, thành trong vùng. Khi chợ Hóc Môn buộc phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, nông dân và thương lái gặp nhiều khó khăn. Chủ các trang trại nuôi gà cũng đang “gồng gánh” để tồn tại khi giá gà rớt mạnh do nhiều công ty, nhà máy, trường học, chợ… đóng cửa nên tiêu thụ ít hẳn so với trước. Các loại trái cây, rau củ... cũng phải tìm đường “vượt khó” do khá nhiều chợ truyền thống phải tạm đóng cửa nhằm phòng, chống dịch.
Trên thực tế, sau khi các chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống đóng cửa, nông dân và doanh nghiệp vẫn tìm cách tiêu thụ một phần hàng hóa thông qua các kênh khác: siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi (với những nơi đạt chuẩn hoặc đã là đối tác từ trước); các chợ còn mở cửa và đặc biệt là các hội, nhóm, diễn đàn… trên mạng xã hội cũng trở thành kênh tiêu thụ mạnh mẽ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ là giải pháp tức thời khi chuỗi lưu thông hàng hóa tạm thời bị gián đoạn do dịch bệnh, khó mà duy trì lâu dài kiểu “mạnh ai nấy bán” như hiện nay và phương án chặn dịch nhanh để dần mở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối (trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch) mới là lời giải.
Nhìn rộng ra, không chỉ Đồng Nai mà các địa phương khác cũng đang nỗ lực chống dịch để kết nối lại chuỗi lưu thông hàng hóa. Ngày 21-7, báo cáo nhanh của Bộ NN-PTNT về tình hình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống Covid-19 cho biết chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây, con, giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ách tắc, làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.
Đặc biệt, chợ truyền thống, chợ đầu mối là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho TP.HCM nhưng hầu hết bị đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho thành phố. Bộ NN-PTNT đã đề xuất bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các sơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP.HCM và ngược lại (nguồn: Bộ NN-PTNT).
Tuy nhiên, có lẽ tất cả các đề xuất hay phương án nói trên đều sẽ lệ thuộc vào kết quả chặn dịch trong hệ thống chợ truyền thống cũng như ngoài cộng đồng. Vì chỉ ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh thì mới có thể kết nối một cách suôn sẻ chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản. Và điều này cần sự chung tay của tất cả mọi nguời, từ người tiêu dùng đến tiểu thương, thương lái.
Vi Lâm