Hiện nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, không ngừng tăng, nhất là ở tỉnh, thành tâm dịch như: TP.HCM, Bình Dương. Riêng tại Đồng Nai đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế gia tăng số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Hiện nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, không ngừng tăng, nhất là ở tỉnh, thành tâm dịch như: TP.HCM, Bình Dương. Riêng tại Đồng Nai đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế gia tăng số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn. Một trong những giải pháp đang được dư luận quan tâm là quy định từ 0 giờ sáng 5-7, toàn bộ người đi, về/đến Đồng Nai hằng ngày từ TP.HCM và tỉnh Bình Dương phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày (từ ngày có kết quả xét nghiệm).
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những giải pháp mạnh mẽ, cấp thiết để hạn chế số ca bệnh lây lan diện rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy định này bước đầu xuất hiện những bất cập cần được ngành chức năng quan tâm khắc phục để đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch.
Trước hết là thực trạng đổ xô đi làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế. Dù các cơ sở này có chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, tăng cường nhân lực và sắp xếp khu vực xét nghiệm tách biệt với khu khám, chữa bệnh nhưng trước số lượng người đến xét nghiệm quá đông lên đến hàng trăm người/cơ sở/ngày, khiến những nơi này không đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ngoài ra, công tác kiểm tra giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm soát dịch cũng quá tải. Một số tuyến quốc lộ lượng xe lưu thông lớn, lực lượng kiểm soát có hạn nên không thể kiểm soát hết các phương tiện qua lại. Do đó, nguy cơ các ca bệnh Covid-19 “lọt” vào địa bàn cũng vẫn có thể xảy ra. Điều đáng nói, vẫn còn nhiều người chưa biết quy định phải có giấy xét nghiệm Covid-19 mới được đi/đến Đồng Nai nên phải quay đầu xe trở về...
Do quy định mới nên những ngày đầu triển khai thực hiện chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Vấn đề quan trọng là các ngành chức năng cần thấy được những tồn tại, hạn chế để sớm có giải pháp khắc phục. Theo đó, tại các cơ sở y tế triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cần ứng dụng công nghệ thông tin trong hẹn giờ xét nghiệm; thực hiện đảm bảo đúng khoảng cách an toàn trong quá trình thực hiện xét nghiệm. Tại các chốt kiểm soát tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm tra các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Điều quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, trong tình cảnh cấp bách “chống dịch như chống giặc” hiện nay, những biện pháp phòng, chống dịch cần phải thực hiện nghiêm. Ngoài trách nhiệm thực hiện các quy định phòng, chống dịch thì mỗi cá nhân cũng cần xem xét trong điều kiện thực tiễn để thực hiện Lời kêu gọi của Chính phủ là ở và làm việc trong các doanh nghiệp hoặc ở trọ tại địa phương đang làm việc để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong thời điểm “nước rút” chống dịch này, rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và địa phương đạt được hiệu quả cao, từng bước ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, nhất là bảo vệ các khu công nghiệp trước làn sóng dịch bệnh bùng phát. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặng Ngọc