Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần những "chiếc phao" trợ lực kịp thời

09:07, 08/07/2021

Nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp... đang trong tình thế khó khăn, thách thức bủa vây. Hôm nay 9-7, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai chính thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp... đang trong tình thế khó khăn, thách thức bủa vây. Hôm nay 9-7, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai chính thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có thể nói nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn nhất đã đến từ các “đường dây” lây lan dịch bệnh là các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, thủy hải sản... quy mô vào loại lớn nhất miền Nam.

Từ những ca F0 đầu tiên của chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), dịch bệnh đã “theo dòng” luân chuyển hàng hóa, nông sản lan đến các tỉnh lân cận, trong đó có Đồng Nai. Việc tạm ngưng hoạt động các chợ đầu mối phát sinh dịch bệnh, tạm dừng các chợ truyền thống, các chợ tự phát… có nguy cơ để tiến hành xét nghiệm, truy vết trên diện rộng nhằm khống chế sự lây lan dịch bệnh là điều cần thiết. Ít nhất, đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất ở thời điểm này khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng.

Tuy nhiên, việc dừng hoạt động những ngôi chợ vốn giữ vai trò trung tâm trung chuyển, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy hải sản lớn nhất miền Nam đang làm cho nhiều chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng lớn, nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm; tiểu thương, thương lái và doanh nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại và không loại trừ cung - cầu có thể bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn.

Tại Đồng Nai, nhiều vùng chăn nuôi, vùng sản xuất nông sản lớn, nông dân đang đối mặt với nhiều khó khăn ập đến cùng lúc: giá xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng, sản phẩm ùn ứ khó tiêu thụ dẫn đến rớt giá… Tất cả đều do tác động từ dịch bệnh.

Mặc dù vậy, ai cũng hiểu, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã nỗ lực chọn làm điều đúng đắn nhất, khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại để cố gắng chặn đứng làn sóng thứ tư của dịch Covid-19, làn sóng dịch mạnh mẽ nhất trong 2 năm nay kể từ khi Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Những giải pháp mạnh mẽ đó hẳn là đã được “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần, cân nhắc kỹ càng và được căn cứ vào bối cảnh thực tế nguồn lực từng địa phương. Do đó, mặc dù có những “tác dụng phụ” kể trên, nhìn chung số đông nông dân, doanh nghiệp, thương lái… đều ủng hộ và chấp hành.

Vậy nên, điều cần nhất là những giải pháp nhanh chóng, linh hoạt từ phía Nhà nước nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong hoàn cảnh “khó chồng khó” hiện nay. Nên chăng đi kèm với những giải pháp cứng rắn để chống dịch là những hỗ trợ “mềm dẻo” khác cho doanh nghiệp, nông dân, tiểu thương các chợ, chẳng hạn như lên danh sách những đối tượng bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này để có những trợ lực thiết thực và kịp lúc: giãn nợ, giảm thuế, trợ cấp cho những người yếu thế…

Khó có thể khẳng định được thời điểm nào dịch sẽ lui nên việc thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh vẫn đang là phương châm mà cả Nhà nước lẫn nhân dân cùng làm. Trong lúc đó, nông dân vẫn phải sản xuất, doanh nghiệp vẫn phải bán hàng, người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ hàng hóa… Và để “dòng chảy” này không đứt gãy nghiêm trọng, rất cần những “chiếc phao” trợ lực kịp thời từ chính sách.

V.L

Tin xem nhiều