Các quyết định giãn cách xã hội, thiết lập vùng cách ly y tế... được đưa ra liên tục trong thời gian ngắn trên thực tế ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Các quyết định giãn cách xã hội, thiết lập vùng cách ly y tế... được đưa ra liên tục trong thời gian ngắn trên thực tế ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc buộc phải đóng cửa 3 chợ đầu mối lớn (Dầu Giây, Tân Biên, Hóa An) cùng các chợ truyền thống lớn tại TP.Biên Hòa cũng gây không ít khó khăn cho cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa được khẳng định là không thiếu, nhưng sự “chậm nhịp” tạm thời trong luân chuyển và phân phối hàng hóa cũng gây nên một số hệ quả ngắn hạn như tăng giá (chủ yếu ở các mặt hàng rau, củ, quả) và thiếu hàng cục bộ tại một số khu vực.
Đó là một thực tế mà muốn hay không muốn, chúng ta buộc phải chấp nhận và tìm cách xoay xở để “sống chung”, ít nhất là trong 15 ngày giãn cách và phong tỏa một số vùng.
Quyết định cách ly hay phong tỏa luôn là một quyết định đầy khó khăn nếu xét về phía những người điều hành. Song đến lúc này, khi số ca nhiễm đã và đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nguồn lực y tế, kinh tế, nhân lực của Việt Nam vẫn chưa mạnh thì có lẽ không còn giải pháp nào hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp chưa có ca nhiễm vẫn tiếp tục tổ chức sản xuất và chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Sự luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng chắc chắn cũng sẽ sớm được thiết lập lại, đặc biệt là nông sản, thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng…
Những khó khăn trước mắt và những điều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày ai cũng thấy. Và nó hiện diện với nhiều hình thức khác nhau. Hình ảnh những khu chợ đóng cửa, giăng dây, những dãy người xếp hàng trước các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại… thật sự là những hình ảnh khó quên đối với mỗi người. Nhưng cao hơn những bất tiện hiện có là trách nhiệm chung tay với cộng đồng chống dịch.
Trách nhiệm đó thể hiện ở những điều hết sức nhỏ nhặt, đời thường: chuẩn bị vừa đủ, tích trữ nhu yếu phẩm vừa đủ cho mình và gia đình, hạn chế thấp nhất việc ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, khai báo thông tin trung thực, chấp hành các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương. Hơn lúc nào hết, ở thời điểm khó khăn này, mỗi người cần sự bình tĩnh, sẻ chia với những chính sách, dù có được ban hành nhanh chóng so với bình thường, nhưng cần phải thế trong tình huống cấp bách. Chia sẻ với các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên, với dân quân, với công an, quân đội… - những người đang ở tuyến đầu chống dịch, để thấy rằng một vài bất tiện trước mắt (như thiếu vài món hàng) là không quá lớn và sẽ sớm được điều chỉnh.
Trách nhiệm đó còn thể hiện ở chỗ nhường nhịn nhau khi mua hàng hóa, thực hiện giãn cách đúng quy định, kiên nhẫn xếp hàng chờ mua hàng và thanh toán, không tranh mua hàng, không chen lấn, tụ tập trước các điểm bán hàng. Chỉ khi có sự chung tay của người dân dù là ở những hành động nhỏ nhất, “cuộc chiến” với đại dịch lần này mới có cơ hội thành công.
Vi Lâm