Không phải ngẫu nhiên mà giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang căng thẳng trên phạm vi cả nước, Chính phủ vẫn gấp rút tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Không phải ngẫu nhiên mà giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang căng thẳng trên phạm vi cả nước, Chính phủ vẫn gấp rút tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Hội nghị có sự tham gia của tất cả các lãnh đạo địa phương trong cả nước, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Nhìn lại, trong năm 2020, 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc sét; hạn hán, xâm mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển… là những con số đau lòng mà Việt Nam hứng chịu. Đằng sau những con số đó là mạng người, tài sản, cơ sở vật chất… mất mát mà phải nhiều năm sau mới gầy dựng lại được. Thiên tai trong vài năm qua được ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai mô tả là “dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử” và dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó, có 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các hệ thống sông dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị (nguồn: báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai).
Hiện tại, cả nước đang “căng mình” phòng, chống dịch Covid-19 và có thể nói, mọi nguồn lực đang được huy động cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, những nguồn lực nào sẽ dành cho công tác phòng, chống thiên tai sắp tới cũng đang được tính toán. Để tiết kiệm nguồn lực, “phòng” đang là giải pháp mà Chính phủ yêu cầu các địa phương chú trọng.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình huống thiên tai, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả sự cố thiên tai xảy ra lấy sự an toàn của người dân làm thước đo. Các địa phương tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
V.L