Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gây những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (cả trong nước lẫn quốc tế), Chính phủ đã sớm xác định các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gây những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (cả trong nước lẫn quốc tế), Chính phủ đã sớm xác định các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Bởi, sản xuất, kinh doanh là nguồn thu quan trọng của ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quốc gia và nếu doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển thì các nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch cũng gặp khó khăn.
Mục tiêu kép vừa nhắc ở trên, thực tế chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất cứ doanh nghiệp thuộc bất cứ ngành nghề nào trong bối cảnh hiện tại. Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư (cũng là làn sóng dịch mạnh nhất trong gần 2 năm nay) bùng phát, thách thức lại càng nhiều thêm.
Nếu những làn sóng đại dịch trước đây gây ảnh hưởng mạnh hơn ở một số ngành nghề đặc thù (du lịch, dịch vụ, vận tải…) thì làn sóng dịch lần này “tấn công” trực tiếp ở nhiều mức độ vào khối doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt là khi các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chỉ cần có một ca nhiễm, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất, đóng cửa tạm thời, phong tỏa, cách ly… ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống…, nơi tiêu thụ hàng hóa, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong làn sóng dịch lần này.
Đã khó khăn từ dịch bệnh (đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại hàng hóa không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất ít…), doanh nghiệp giờ lại càng khó khăn khi phải đối mặt với “cơn lốc giá” đầu vào khi rất nhiều loại nguyên vật liệu tăng giá phi mã trong thời gian qua. Đơn cử, giá thép xây dựng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu tăng nhiều lần và đang ở mức cao nhất trong gần 2 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp cũng đang tăng mạnh… Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, chưa có thời điểm nào họ khó khăn như hiện nay, khi đang phải ứng phó trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá đầu vào “nhảy múa” liên tục.
Đứng ở góc độ vĩ mô, có vẻ hiện nay những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự chạm được đến từng doanh nghiệp, chưa kể những ngành nghề đặc thù cũng cần những chính sách sát sườn hơn. Các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, hạ lãi suất, trợ cấp trực tiếp cho người lao động, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa…, cần linh hoạt và hiệu quả hơn.
Thực tế, nếu giá đầu vào tăng quá mạnh, doanh nghiệp khó lòng “ghìm” giá hàng hóa đầu ra thì kinh tế chung `sẽ gặp nhiều khó khăn, trước mắt là lạm phát có thể gia tăng, các nguồn lực giảm sút do phải “dồn” vào chống dịch, đời sống người dân cũng sẽ ảnh hưởng. Vậy nên, doanh nghiệp hiện đang trông chờ những biện pháp khả thi của Chính phủ trong việc thiết kế các chính sách nhanh và mạnh mẽ trong điều tiết giá cả đầu vào, kiềm chế giá đầu ra. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp để họ đủ sức vượt qua khó khăn, thách thức để cùng Chính phủ đồng hành trong thực hiện mục tiêu kép.
K.N