Được ví von như một "đại công trường" với hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn (cả đường hàng không lẫn đường bộ), Đồng Nai đang đứng trước cơ hội "cất cánh" trong tương lai gần - khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Được ví von như một “đại công trường” với hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn (cả đường hàng không lẫn đường bộ), Đồng Nai đang đứng trước cơ hội “cất cánh” trong tương lai gần - khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thời điểm này, việc thi công các dự án lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh đang đứng trước bài toán khó là thiếu hụt vật liệu san lấp và vật liệu thi công. Điển hình là dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam) thời gian qua trở nên “nổi tiếng” vì chủ đầu tư phải làm công văn “cầu cứu” khắp nơi, nhờ giải quyết tình trạng thiếu hụt đất san lấp do nhu cầu vượt quá nguồn cung. Nếu kéo dài tình trạng thiếu hụt, dự án có nguy cơ chậm tiến độ và gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.
Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT), tính đến hết tháng 5-2021, trong 6 dự án thành phần đầu tư đường cao tốc đang triển khai thi công, có đến 4 dự án chưa đạt yêu cầu gồm: Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ tại các dự án được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chỉ ra là do thiếu nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường.
Ban quản lý các dự án, đại diện chủ đầu tư các dự án đường cao tốc nói trên đều cho biết, dự án nào cũng đang thiếu đất đắp trầm trọng, thậm chí các nhà thầu sẵn sàng trả giá cao gấp đôi bình thường nhưng vẫn không có đất để mua. Trước thực trạng đó, Chính phủ vừa phải ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (nguồn: chinhphu.vn).
Thực tế tại Đồng Nai, không chỉ các đại dự án mới đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp và thi công mà các dự án nhỏ cũng có nguy cơ thiếu. Chẳng hạn, quá trình thi công cầu Thanh Sơn (H.Định Quán) đã từng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung đất san nền đảm bảo chất lượng cho hạng mục đường dẫn 2 đầu cầu, dù số lượng cần chỉ khoảng 30 ngàn m3. Nhìn rộng ra, nhiều dự án sắp khởi công tại Đồng Nai, đặc biệt là nhóm các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành sẽ cần nguồn vật liệu đất, đá, cát rất lớn nhằm cung ứng đủ thi công. Trong 1-2 năm tới, nếu không sớm tính toán, hầu hết các dự án sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt vật liệu.
Và có lẽ, cách tốt nhất ở thời điểm này là phải khảo sát, làm tốt công tác quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư và sớm đưa vào khai thác những mỏ vật liệu có khả năng cung ứng vật liệu cho các dự án và làm càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên, quá trình đó cần đảm bảo khai thác hợp lý trữ lượng cho phép, xử lý tốt các vấn đề công nghệ khai thác, vận chuyển… để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường.
V.L