Quá trình phát triển của mọi địa phương luôn gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch. Quy hoạch tốt tạo nên động lực phát triển. Ngược lại, nếu tính toán không kỹ, chính những quy hoạch được đề ra nhằm mục tiêu phát triển lại cản trở sự phát triển của cả một địa phương.
Quá trình phát triển của mọi địa phương luôn gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch. Quy hoạch tốt tạo nên động lực phát triển. Ngược lại, nếu tính toán không kỹ, chính những quy hoạch được đề ra nhằm mục tiêu phát triển lại cản trở sự phát triển của cả một địa phương.
Trên thực tế, công tác quy hoạch chưa bao giờ dễ dàng, dù với bất cứ loại quy hoạch nào (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hay các quy hoạch cho những ngành đặc thù), bởi nó đòi hỏi một tầm nhìn xa và kiến thức bao trùm các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Quy hoạch còn đòi hỏi tính khả thi và dự kiến được nguồn lực thực hiện để tránh tình trạng nhiều khi quy hoạch được “vẽ” ra rất đẹp nhưng lại lâm vào cảnh nhiều năm “nằm trên giấy” do không đủ nguồn lực thực hiện.
Do đó, dù đã rất nỗ lực, quy hoạch tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đôi khi chưa theo kịp diễn biến thực tế, chưa phù hợp với các xu hướng phát triển mới. Chưa kể, hành lang pháp lý cho việc xây dựng, triển khai các loại quy hoạch quan trọng cũng thường xuyên thay đổi khiến không ít địa phương bối rối khi ứng dụng vào thực tế.
Chính vì vậy, công tác quy hoạch luôn là “điểm nóng” của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là với những tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Một trong những thách thức của “quy hoạch vì mục tiêu phát triển” là không những quy hoạch phải có tầm nhìn đáp ứng được định hướng lâu dài cho phát triển, mà công tác “hậu kiểm” quy hoạch cũng phải được làm chặt chẽ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi “phá vỡ” quy hoạch đã và đang xảy ra trên thực tế tại nhiều địa phương. Tại nhiều nơi, công tác hậu kiểm quy hoạch còn bất cập, dẫn đến khi xây dựng quy hoạch thì “đẹp và hợp lý”, song quá trình thực hiện lại bị các dự án nhỏ lẻ, manh mún phá vỡ quy hoạch, từ đó sinh ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, thậm chí trở thành lực cản của phát triển. Tại Đồng Nai, không ít khu vực được quy hoạch tốt, song công tác quản lý “hậu quy hoạch” thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có những dự án bị lấn chiếm đất, mua bán sang tay đất đai hoặc thực tế sử dụng trái với mục tiêu quy hoạch ban đầu… Ở góc độ các chủ dự án, khâu quản lý hậu quy hoạch chưa chặt chẽ dẫn đến câu chuyện nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán chứ không lo xây dựng hạ tầng xã hội. Khi cấp phép dự án theo quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội như: đường, trường học, bệnh viện, công viên… thường nằm trong quy định phải thực hiện. Song chủ đầu tư có thực hiện đúng quy hoạch hay không lại ít được kiểm tra, giám sát.
Vì vậy, xây dựng các quy hoạch đúng định hướng phát triển, khả thi, hợp lý chưa đủ, mà còn cần đến khâu kiểm soát quy hoạch để đảm bảo quy hoạch không bị lợi dụng “thổi” giá đất quá cao gây khó khăn cho quá trình thực hiện, đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết theo quy hoạch… để quy hoạch thực sự là động lực cho phát triển.
Vi Lâm