Ngay sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, phụ huynh của hơn 10 ngàn thí sinh không trúng tuyển trong tỉnh lập tức tìm đến ngay các cơ sở giáo dục tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên để nộp hồ sơ xin học cho con.
Ngay sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, phụ huynh của hơn 10 ngàn thí sinh không trúng tuyển trong tỉnh lập tức tìm đến ngay các cơ sở giáo dục tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên để nộp hồ sơ xin học cho con. Rất ít phụ huynh trong số này chấp nhận việc để cho con vừa học văn hóa, vừa học nghề vì một suy nghĩ đã ăn khá sâu trong tiềm thức: con phải tiếp tục học THPT để thi đại học.
Thực ra, không phải đến bây giờ phụ huynh mới có tâm lý muốn con học THPT để “bằng bạn, bằng bè” mà đã rất lâu rồi, với nhiều người, học sinh chỉ đi học nghề khi không còn sự lựa chọn nào khác và học lực phải tệ lắm mới phải chọn con đường này. Thậm chí, có phụ huynh dù điều kiện gia đình còn khó khăn nhưng khi con bày tỏ nguyện vọng sau khi học xong THCS sẽ vào trường nghề để vừa học văn hóa, vừa học nghề liền gạt phắt đi vì không muốn tương lai con mình chỉ là “thợ”. Không ít phụ huynh suy nghĩ rất đơn giản rằng học nghề sẽ khó có cơ hội trở thành “thầy” trong tương lai…
Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT, thời gian qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả đạt được chưa cao, tỷ lệ học sinh sau THCS tham gia học nghề còn khiêm tốn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này chính là việc phụ huynh vẫn chưa tin vào lợi ích của việc vừa học văn hóa, vừa học nghề. Không ít phụ huynh thẳng thắn bày tỏ lo ngại tương lai của con sẽ bị ảnh hưởng nếu không đi con đường thẳng là học xong THCS, học tiếp lên THPT và học cao đẳng, đại học. Việc “đi tắt” con đường học từ 5-6 năm xuống còn 2-3 năm dường như rất khó chấp nhận. Do đó, trong nhiều cuộc họp hội cha mẹ học sinh, khi giáo viên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh có đề cập đến chuyện học nghề, không ít phụ huynh tỏ thái độ không quan tâm.
Làm thế nào để giúp phụ huynh thay đổi suy nghĩ, có cái nhìn thiện cảm, lựa chọn con đường học nghề sau khi tốt nghiệp THCS cho con? Đây là vấn đề cần những giải pháp đồng bộ, trong đó việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền rất quan trọng. Tất nhiên, công tác tuyên truyền không đơn giản chỉ là cung cấp những thông tin một chiều về nhu cầu trường nghề mà phải làm sao phân tích cho phụ huynh hiểu rõ những lợi ích khi con vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đặc biệt, các trường nghề cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để quảng bá chương trình đào tạo của mình, trong đó nhấn mạnh đến việc học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề vừa có bằng văn hóa, vừa có nghề trong tay để đi làm kiếm tiền hoặc học tiếp lên các bậc học cao hơn nếu có nhu cầu.
Chỉ khi phụ huynh và học sinh thấy rõ lợi ích của việc vừa học văn hóa, vừa học nghề mới có thể tin tưởng và yên tâm để lựa chọn...
Minh Ngọc