Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vận tải lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vận tải lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.
Hiện nay, với mỗi chuyến xe, DN vận tải đang phải chịu rất nhiều khoản như: chi phí vận tải, khấu hao bảo dưỡng phương tiện, nhiên liệu, hóa đơn chứng từ về hàng hóa, cầu đường, bảo trì đường bộ... Đặc biệt, khoảng 2 tháng trở lại đây, xe vận chuyển hàng hóa đến vùng dịch gặp gián đoạn, lượng khách được phép chở cũng bị khống chế dưới 50%. Tất cả đã tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN.
Tuy nhiên, đó chưa phải là nỗi lo lớn của ngành Vận tải mà điều đáng quan tâm là khi vận tải phục hồi sẽ không có đủ nhân lực để tham gia sản xuất. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều lao động chuyển sang làm công việc khác, các DN sẽ phải đối mặt với khó khăn về tuyển dụng, đào tạo lao động, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thực tế trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ DN vận tải gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng theo nhiều đánh giá là chưa thể hiện được hiệu quả “cứu trợ” một cách tốt nhất. Nguyên nhân là không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra như phải chứng minh DN đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc. Thậm chí, phương án giảm lãi vay, giãn nợ cho các DN cũng chưa được thực hiện do thủ tục rườm rà.
Đứng trước những khó khăn này, theo các chuyên gia và cộng đồng DN, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi ban hành cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của DN để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ đủ mạnh về liều lượng và kịp thời. Quan trọng hơn, các thủ tục để hưởng hỗ trợ cần dễ thực thi, tạo điều kiện tối đa nhất cho DN tiếp cận và hưởng thụ.
Đại dịch Covid-19 đang khiến các DN vận tải lao đao do đứt gãy kết nối, doanh thu giảm nghiêm trọng. Song, đây cũng là “thời cơ vàng” để DN ứng dụng công nghệ kết nối, tương tác với hành khách, tìm kiếm nhiều cơ hội nhằm phát triển. Đồng thời, luôn nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến để từ đó tìm cách giữ chân khách hàng. Những giải pháp không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn là động lực để DN sớm ổn định hoạt động kinh doanh, từng bước phục hồi thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch đi qua.
Hải Dương