Những năm gần đây, nhiều dự án và "siêu dự án" hạ tầng giao thông cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia... liên tục được thực hiện ở Đồng Nai.
Những năm gần đây, nhiều dự án và “siêu dự án” hạ tầng giao thông cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia... liên tục được thực hiện ở Đồng Nai. Tỉnh được ví như một nơi “đất lành chim đậu” khi đón nhiều dự án lớn thuộc nhiều loại hình: hàng không, đường bộ, hệ thống cảng... Chính vì vậy, Đồng Nai được đánh giá là một trong số các địa phương sôi động nhất cả nước về đất đai, bất động sản với nhiều dạng, từ bất động sản dân cư, bất động sản công nghiệp đến nông nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, sự bùng nổ này “mừng ít, lo nhiều”.
“Nóng” nhất hiện nay vẫn là các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư. Trên thực tế, xu hướng chọn Đồng Nai để đầu tư dự án bất động sản là xu hướng tất yếu khi đây là địa bàn phát triển sôi động về cả công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và được “khơi thông” bằng hàng loạt dự án hạ tầng có vốn “khủng”. Các nhà đầu tư kinh nghiệm đều nhìn rõ, chỉ trong vòng 5 năm tới, khi hệ thống đường cao tốc cùng các con đường huyết mạch có tính kết nối hình thành, đặc biệt khi sân bay Long Thành hoàn thiện, Đồng Nai sẽ là một “vùng đất vàng” đối với các nhà đầu tư bất động sản.
Vậy nên ngay từ lúc này, các “cơn sốt” bất động sản đang diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Từ TP.Biên Hòa đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Trảng Bom..., đâu đâu cũng thấy dự án bất động sản lớn nhỏ, đâu đâu cũng thấy nhà đầu tư “ôm” đất chờ “đón gió”.
Ở một góc nhìn tích cực, khi giao dịch bất động sản tăng, ngân sách sẽ có thêm nhiều nguồn thu, song quan sát những gì đã và đang diễn ra trên thị trường bất động sản vừa qua có thể thấy: mừng ít, lo nhiều. Cái “lo” lớn nhất là ở nhiều vùng, bất động sản đã và đang bị “thổi” giá lên quá cao so với giá trị thực, người có nhu cầu ở thực sự thì ít khả năng “chạm” đến, trong khi các khu dân cư “không người ở” hoặc đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng xuất hiện nhiều.
Mặt khác, nhu cầu “ảo” thời gian qua đã đẩy giá đất thực tế trên thị trường tăng cao, gây khó khăn lớn cho Nhà nước khi phải thay đổi bảng giá đất liên tục và khi “áp” vào khung bồi thường thực tế, dễ phát sinh khiếu nại khiến nhiều dự án kéo dài nhiều năm không thể thực hiện. Một góc độ khác, lợi nhuận từ bất động sản “vừa nhiều, vừa nhanh” cũng gây một tác động xã hội lớn khiến thị trường xuất hiện nhiều “dự án ma”, “khu dân cư ảo”, xuất hiện hàng loạt dự án xây dựng trái phép, huy dộng vốn trái luật... với nhiều hệ lụy khác theo sau.
Điều đáng nói là dường như các quy định pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh thị trường bất động sản có vẻ chưa theo kịp thực tế. Quan sát cho thấy, các quy định pháp luật liên quan đến đất đai và bất động sản là một trong số ít các quy định thay đổi nhiều nhất, chịu nhiều áp lực đổi mới nhất, song vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế. Thậm chí, quy định pháp luật vẫn có, song quá trình áp dụng và kiểm soát vẫn để phát sinh nhiều “lỗ hổng”. Vậy nên, có lẽ để thị trường bất động sản trở nên minh bạch và đúng với giá trị thật hơn, cần đến những giải pháp căn cơ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
V.L