Những năm gần đây, các loại tội phạm trên không gian mạng gia tăng với tính chất, quy mô ngày càng lớn, tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
Những năm gần đây, các loại tội phạm trên không gian mạng gia tăng với tính chất, quy mô ngày càng lớn, tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Do đó đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin từ Trung ương đến địa phương phải được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời tạo được “bức tường lửa” nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong môi trường số đang phát triển mạnh mẽ.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, những vụ án sử dụng công nghệ cao như đánh bạc, lừa đảo… trên không gian mạng mới được phát hiện. Loại tội phạm này lợi dụng sự phát triển của internet cùng với những thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, thu hút nhiều người, nhiều đối tượng không chỉ ở trong mà cả ngoài nước tham gia. Những đường dây này được tổ chức bài bản, ngụy trang bằng nhiều hình thức mà nếu không giỏi công nghệ thông tin rất khó phát hiện ra. Trong khi đó, người dùng internet hiện nay không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ và biết cách để tự bảo vệ mình. Ngay cả những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng chưa có sự đầu tư bài bản cho việc bảo mật hệ thống thông tin dẫn đến việc có thể dễ dàng bị tấn công, uy hiếp…
Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng nhiều chiêu trò gây nhiễu loạn thông tin nhằm thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình. Đơn cử như trong các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vừa qua, nhiều người sử dụng Zalo, Facebook đã dễ dàng chia sẻ những thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh của đất nước, phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến với đại dịch. Không ít tài khoản mạng xuyên tạc về số người tử vong cùng mức độ lây lan dịch ở một số địa phương gây nên tâm lý hoang mang, bất an trong nhân dân. Ngay tại Đồng Nai, lực lượng công an cũng đã mời một số đối tượng đến làm việc đồng thời xử phạt vì đã tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Xác định loại tội phạm mạng ngày càng phức tạp, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay việc ra đời của Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, một trong các giải pháp để đảm bảo an ninh mạng trong tình hình mới là cần nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong bảo đảm an ninh, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng ở Việt Nam; tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa nguồn lực xã hội trong hoạt động này. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
M.N