Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:03, 04/03/2021

Ngày 16-5-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1418 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đề án chỉ rõ: đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa...

Ngày 16-5-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1418 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đề án chỉ rõ: đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, chính quyền các cấp phải tăng cường đầu tư kinh phí theo quy định của Nhà nước để phát triển đào tạo nghề cho LĐNT, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề cho mọi LĐNT; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT.

Thực hiện quyết định này, nhiều năm nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được đặc biệt quan tâm, nhất là khi Đồng Nai nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, triển khai nhiều dự án trọng điểm, tác động trực tiếp đến đời sống người dân nông thôn như sân bay Long Thành. Chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng được chú trọng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chỉ tính riêng năm 2020, toàn tỉnh đã đào tạo cho 2.610 người với 27 nghề, đạt gần 115% kế hoạch năm, trong đó đối tượng học nghề là đối tượng chính sách chiếm 38,31%; đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo chiếm 6,36% và 55,33% còn lại là đối tượng LĐNT khác. Số người học nghề tốt nghiệp trong năm 2020 là 1.899 người và 91,15% trong số này đã có việc làm sau các khóa học nghề. Điều này cho thấy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đi đúng hướng và đạt được hiệu quả nhất định. Đặc biệt, việc giúp LĐNT sử dụng đúng nguồn vốn vay phát triển kinh tế sau khi hoàn thành việc học nghề được chú trọng đã góp phần vào việc phát huy kết quả đào tạo nghề, hạn chế tình trạng “đem con bỏ chợ” gây lãng phí như đã từng xảy ra trước đây.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng về kinh tế của Đồng Nai trong năm 2021 là toàn tỉnh có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2021 cũng là năm dự án Sân bay Long Thành được khởi công và nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trong vùng dự án được thực hiện. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho LĐNT phải tiếp tục được đổi mới theo hướng linh hoạt, sát hơn với nhu cầu thực tế của từng địa phương, phù hợp với năng lực, khả năng giải quyết việc làm của người học sau khi hoàn thành chương trình học nghề. Có như vậy, đề án đào tạo nghề cho LĐNT mới thực sự đem lại hiệu quả, đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của người dân hiện nay.     

M.N

Tin xem nhiều