Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới với bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Cùng với đó, bộ SGK lớp 1 cũng được chọn lại theo đúng tinh thần Thông tư 25/2020/TT-BGD-ĐT.
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới với bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Cùng với đó, bộ SGK lớp 1 cũng được chọn lại theo đúng tinh thần Thông tư 25/2020/TT-BGD-ĐT.
Bộ SGK nào được chọn để dùng chung cho học sinh toàn tỉnh đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía phụ huynh. Tuy quyết định chọn sách thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng để đảm bảo lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất thì toàn bộ giáo viên cấp tiểu học, THCS đều góp phần tham gia vào công việc này.
Theo đó, không chỉ giáo viên trực tiếp dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 mà giáo viên của tất cả các trường tiểu học, THCS đều đọc các bộ sách mới để tìm hiểu, thảo luận, đưa ra nhận xét về các ưu, khuyết điểm của từng cuốn sách. Đây chính là cơ sở để từ tổ khối chuyên môn đến hội đồng chọn sách cấp trường đưa ra đề xuất chọn SGK. Công việc còn lại sẽ thuộc về hội đồng chọn sách cấp tỉnh.
Đến thời điểm này, các trường đã nộp biên bản đề xuất chọn sách lên cấp trên. Một điều hiển nhiên là cả 3 bộ sách đều có trong danh sách được đề xuất nhưng kết quả thì chỉ có một. Vì vậy, hiện nay cả phụ huynh lẫn giáo viên đều cùng hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 3-2021.
Năm nay, thay vì nhận bộ SGK bản giấy thì các trường đều đọc sách bằng file PDF do NXB cung cấp. Điều này tạo thuận lợi trong tiếp cận tài liệu nhưng giáo viên vẫn cho rằng thời gian dành cho việc đọc, chọn sách còn ngắn. Do vậy, nếu sách có “sạn” như đã từng phát hiện ở SGK tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều vừa qua thì giáo viên cũng chưa chắc đã phát hiện, chỉ rõ được. Vì vậy, hội đồng chọn SGK cấp tỉnh càng phải làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, khách quan, công tâm hơn.
Tất nhiên, việc chọn sách không nhất thiết phải “đi” theo bộ mà tùy theo thực tế, hội đồng có thể chọn những cuốn sách ở các bộ sách khác nhau để hợp lại thành bộ sách dùng riêng cho học sinh của tỉnh.
Trước khi được Bộ GD-ĐT ký phê duyệt, các đầu SGK mới đều đã được dạy thực nghiệm. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn với sự khác biệt, đa dạng của các vùng miền sẽ khó tránh khỏi có vấn đề phát sinh. Đây cũng chính là thước đo cao nhất để các nhà biên soạn sách, các NXB có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng trước đó, giáo viên phải là những người chủ động đầu tiên.
Để làm được như vậy, công tác sinh hoạt chuyên môn cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đây cũng là điều mà các trường tiểu học ở Đồng Nai đã làm rất tốt trong thời gian qua. Nhờ đó, việc triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình, SGK mới ở Đồng Nai đã diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả.
Trong chương trình lớp 6 mới có 2 môn học tích hợp là Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học). Làm thế nào để dạy tốt môn học này là thử thách không nhỏ với đội ngũ giáo viên - vốn đã quen dạy đơn môn.
Nếu sách thiết kế theo hướng liên môn nhưng đến phân môn của giáo viên nào giáo viên đó vào dạy, bài giảng ít tính liên kết thì kết quả học tập sẽ không đạt được yêu cầu. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Ngoài tham gia các module tập huấn của ngành Giáo dục, quá trình tự đào tạo của giáo viên là vô cùng quan trọng. Việc sớm công bố danh mục SGK được lựa chọn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên chủ động chuẩn bị tốt hơn cho năm học tới.
T.V