Cách đây 63 năm, thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng có sáng kiến thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ lấy kinh phí để xây dựng Nhà máy Nhựa Thiếu niên tiền phong tại Hải Phòng.
Cách đây 63 năm, thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng có sáng kiến thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ lấy kinh phí để xây dựng Nhà máy Nhựa Thiếu niên tiền phong tại Hải Phòng. Sáng kiến này sau đó được nhân rộng ra cả nước, trở thành phong trào của thiếu nhi Việt Nam do Đội TNTPHCM tổ chức với ý nghĩa giáo dục sâu sắc tinh thần tiết kiệm, tương thân tương ái, yêu lao động, biết sẻ chia của thiếu nhi Việt Nam.
Những hoạt động chủ yếu của phong trào Kế hoạch nhỏ được thiếu nhi Việt Nam hưởng ứng tích cực là thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm... Từ phong trào này, nhiều công trình, phần việc ý nghĩa do thiếu nhi Việt Nam đóng góp đã ra đời như xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ ở Thủ đô Hà Nội, xây dựng tượng đài và khu di tích Kim Đồng, tượng đài liệt sĩ Võ Thị Sáu ở một số địa phương trong cả nước; trang bị, mua sắm cơ sở vật chất cho hoạt động Đội như: trống, cờ, khăn quàng đỏ; giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Phong trào đã thực sự tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo thiếu nhi cả nước tham gia đúng với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, phong trào Kế hoạch nhỏ không còn giữ đúng được tinh thần và ý nghĩa ban đầu của nó. Nhiều học sinh tham gia phong trào nhưng không hiểu nguồn gốc vì sao có phong trào này, bản thân thực hiện phong trào sẽ đem lại hiệu quả ra sao, ai là đối tượng hưởng lợi từ phong trào? Một số nhà trường năm nào cũng phát động thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ nhưng lại không chú trọng việc giáo dục, tuyên truyền điều hay, cái đẹp của phong trào mà chủ yếu kêu gọi học sinh đóng góp giấy, vỏ lon bia, nước ngọt và nếu muốn đạt danh hiệu dũng sĩ kế hoạch nhỏ cấp trường, cấp thành phố/huyện hay cấp tỉnh thì phải đóng đủ số lượng bao nhiêu theo quy định.
Học sinh thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ dĩ nhiên cũng không như ngày xưa, tức là phải tự mình chuẩn bị hoặc tham gia các công việc như: trồng cây, chăn nuôi, tìm kiếm phế liệu mà công tác chuẩn bị đã có… phụ huynh lo. Chỉ cần học sinh thông báo ngày phải đóng kế hoạch nhỏ, phụ huynh sẽ gom/xin/mua giấy báo vụn hoặc vỏ lon bia, nước ngọt để con đem đến trường đóng. Không ít em trở thành dũng sĩ kế hoạch nhỏ cấp trường, cấp thành phố/huyện, tỉnh là nhờ cha mẹ… mua số lượng lớn phế liệu từ vựa ve chai. Do đó, phong trào ngày càng mất ý nghĩa và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi học sinh cần thêm những mô hình, phong trào mới gần gũi vừa giúp các em phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, vừa tạo ra nguồn kinh phí để thực hiện những công trình, phần việc thiết thực.
Chính vì vậy, việc Sở GD-ĐT mới đây có văn bản về việc tạm ngưng phát động phong trào và hội thu Kế hoạch nhỏ đã nhận được sự đồng tình từ dư luận. Tạm ngưng nhưng không có nghĩa là kết thúc mà để tìm ra một hướng đi mới, những phong trào mới phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
M.N