Mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai trong nhiệm kỳ mới, lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới luôn được Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm.
Mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai trong nhiệm kỳ mới, lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới luôn được Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm.
Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, mọi ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh đều phải bám sát mục tiêu tăng thu nhập cho người dân nông thôn, để đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, kéo giảm khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư vào hạ tầng nông thôn. Trong giai đoạn mới, đầu tư cho hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: thủy lợi, điện, đường… tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có cả ngàn ha diện tích nuôi, trồng trong nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ sẽ tiếp tục được nhân rộng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Đồng Nai bằng uy tín chất lượng. Về đầu ra cho nông sản, sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai cũng đã đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chợ đầu mối này, tạo điều kiện tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân.
Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của Đồng Nai cũng phù hợp với định hướng chung của cả nước. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN-PTNT vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020 dù phải đối mặt nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp đã chủ động ứng phó với đại dịch, thiên tai, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm của 100 triệu dân trong nước. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. Những vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp vẫn là nơi bao dung, che chở cho hàng chục vạn người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mất việc làm do bị thu hẹp sản xuất về quê sinh sống. Trong năm khó khăn vừa qua, ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá toàn diện, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Vai trò này của ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới khi bước vào hội nhập quốc tế. Trong đó, các địa phương tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng được các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất lớn. Từ địa phương đến Trung ương cần bắt tay gỡ vướng, tạo thuận lợi về mặt thể chế như: chính sách về đất đai, tín dụng, thị trường… để ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên, tạo nên những kỳ tích mới trong giai đoạn hội nhập. Qua đó, góp phần xây dựng những vùng nông thôn trù phú, nơi cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
V.L