Những năm gần đây, tình trạng mua bán, tàng trữ và đốt pháo vào các dịp lễ, Tết nhất là dịp Tết Nguyên đán diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Những năm gần đây, tình trạng mua bán, tàng trữ và đốt pháo vào các dịp lễ, Tết nhất là dịp Tết Nguyên đán diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến pháo nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, cụ thể là thời khắc giao thừa Tết Dương lịch năm 2021, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý nhiều vụ đốt pháo trái phép.
Qua đó cho thấy, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng pháo chưa cao. Điều đáng lo ngại là không ít người coi việc đốt pháo là vui và không hề áy náy khi đốt pháo, một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Thậm chí, một số người còn đăng những thông tin sai lệch về Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137) có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Trên một số trang mạng xã hội đăng thông tin: người dân được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết. Đây là thông tin chưa đầy đủ và không chính xác.
Tại Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Mặt khác, pháo hoa được sử dụng là loại pháo hoa đốt trong các nhà hàng tiệc cưới, chủ yếu chỉ có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng chứ không có thuốc nổ như các loại pháo hoa nổ đốt ngoài trời.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong thời gian tới là tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm theo các quy định của Nghị định 137; cũng như tiếp tục tuyên truyền đậm nét về kết quả thực hiện Chỉ thị số 406-TTg ngày 8-8-1994 của Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; hậu quả, tác hại của việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo trái phép...
Theo đó, cần tập trung nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến pháo cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh - sinh viên. Trong đó vai trò của gia đình, nhà trường và đoàn thanh niên hết sức quan trọng nhằm giúp cho giới trẻ hiểu rõ, chấp hành đúng các quy định pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên của các cơ quan nhà nước trên địa bàn cần phải làm gương, đi đầu trong việc nói không với đốt pháo, cũng như tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Trong trường hợp có người vi phạm cần có mức xử lý nghiêm, ngoài xử lý hành chính, còn phải báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức kỷ luật phù hợp.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, chắc chắn các ngành chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến pháo. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, đừng để Tết mất vui vì... pháo.
Đ.N