Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để lãng phí...

10:01, 13/01/2021

Chỉ còn 6 tháng nữa, khoảng 170 ngàn xe kinh doanh vận tải (KDVT) sẽ phải lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông theo đúng yêu cầu của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 quy định điều kiện KDVT bằng ô tô.

Chỉ còn 6 tháng nữa, khoảng 170 ngàn xe kinh doanh vận tải (KDVT) sẽ phải lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông theo đúng yêu cầu của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 quy định điều kiện KDVT bằng ô tô.

Mục đích của việc yêu cầu xe KDVT phải lắp đặt camera giám sát được đánh giá là rất thuyết phục nhằm giám sát được tài xế có hành động gây mất an toàn giao thông, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường... Song trong gần 1 năm qua, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp KDVT chưa kịp phục hồi do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì quy định này được coi là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp, chủ xe. Bởi với chi phí bỏ ra không hề nhỏ, nếu không được tính toán, cân nhắc kỹ càng thì nó có thể trở thành một “gánh nặng” kinh tế đối với nhiều doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, quy định này cũng gây nhiều băn khoăn. Việc ghi hình đối với hành khách trên xe trong suốt quá trình lưu thông có vi phạm quyền riêng tư của hành khách hay không? Ngoài dữ liệu được cung cấp cho cơ quan chức năng, dư luận không khỏi thắc mắc các dữ liệu này có bị rò rỉ và sử dụng vào mục đích khác? Cơ sở nào để phòng ngừa và ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp xảy ra vi phạm? Chính những vướng mắc nêu trên khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể hoàn thành lắp đặt camera đối với các phương tiện vận tải theo đúng lộ trình.

Còn nhớ trước đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định, từ ngày 1-7-2012, tất cả ô tô tham gia hoạt động KDVT đều phải lắp đặt “hộp đen” (thiết bị giám sát hành trình). Kết quả là toàn quốc có hơn 1 triệu xe ô tô buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm an toàn giao thông từ dữ liệu thông qua thiết bị giám sát hành trình mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, còn tới hơn 30% phương tiện chưa truyền dữ liệu từ “hộp đen” về hệ thống của cơ quan này theo quy định. Các lái xe thường tắt “hộp đen” để tránh bị giám sát, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc xử lý vi phạm. Điều này khiến công tác quản lý đối với phương tiện KDVT chưa thật sự hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Trong khi dữ liệu, tài nguyên từ thiết bị này còn chưa sử dụng tối ưu, việc lắp đặt thêm camera chắc chắn sẽ gây lãng phí lớn. Trên thực tế, công tác quản lý, giám sát đối với phương tiện KDVT thời gian qua đã có các quy định chặt chẽ cũng như ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng. Việc có quá nhiều quy định sẽ phần nào tác động đến nhịp phát triển của ngành Vận tải.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần nhanh chóng tìm cách “gỡ” các quy định còn vướng mắc, chồng chéo; giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp. Đồng thời, căn cứ năng lực thực tế của doanh nghiệp (có tính đến các biến động, ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra) để đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời. Thậm chí, để việc thực hiện được khả thi và đồng bộ, Bộ
GT-VT cần kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp lùi thời hạn lắp đặt camera đối với xe KDVT. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thời gian chuẩn bị cho cả hệ thống hạ tầng công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý cho quy định này.

         Hải Dương

Tin xem nhiều