Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để con trẻ cô đơn trên mạng

08:01, 18/01/2021

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xuất hiện tình trạng một số nữ sinh (đa phần dưới 16 tuổi) mang thai ngoài ý muốn hoặc bị xâm hại tình dục từ những mối quan hệ trên mạng xã hội (MXH).

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xuất hiện tình trạng một số nữ sinh (đa phần dưới 16 tuổi) mang thai ngoài ý muốn hoặc bị xâm hại tình dục từ những mối quan hệ trên mạng xã hội (MXH). Qua đó cho thấy, đây là một vấn đề các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình cần đặc biệt quan tâm để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.

Từ các vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy, đa phần nạn nhân đều thiếu sự quan tâm của cha mẹ do cha mẹ mải lo mưu sinh hoặc do gia đình có cha mẹ ly hôn. Các em được tự do sử dụng điện thoại di động thông minh, thoải mái kết bạn và chia sẻ mọi suy nghĩ, bí mật với những người quen trên MXH mà không lường hết được những rủi ro, nguy hiểm có thật từ các mối quan hệ trên thế giới ảo này. Thực tế, trong thời gian qua đã có không ít kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số nữ sinh để tranh thủ lấy lòng tin, dụ dỗ các em chia sẻ các thông tin về đời tư, trao đổi các hình ảnh nhạy cảm... trên MXH, sau đó hẹn gặp gỡ để quan hệ tình dục. Thậm chí, có người còn sử dụng hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân để đe dọa, tạo sức ép, buộc nạn nhân phải cho quan hệ tình dục, chiếm đoạt tài sản.

Hậu quả của các vụ xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi khá nghiêm trọng, trong đó chính các nạn nhân là người chịu hậu quả trực tiếp, nặng nề nhất. Ngoài việc có thai ngoài ý muốn; đối diện với nguy cơ tai biến do nạo phá thai, sinh con khi còn nhỏ tuổi, lây nhiễm các bệnh xã hội, trong đó có
HIV/AIDS, còn trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành và tương lai của các bé gái.

Để bảo vệ được trẻ em tránh khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như nhà trường và gia đình. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Mỗi gia đình phải là lá chắn để bảo vệ con em trước những cám dỗ và nguy cơ từ không gian mạng. Cha mẹ phải dạy cho con các kỹ năng sử dụng MXH, những vấn đề nên xem và những nội dung cần tránh; cách nhận diện những mặt tiêu cực, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên MXH. Cha mẹ phải là chỗ dựa tin cậy, là người bạn đồng hành của con ngay cả trên không gian mạng. Làm sao để con lựa chọn cha mẹ để chia sẻ mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống chứ không phải những người bạn ảo trên MXH.

Chính sự quan tâm, sâu sát với con trẻ mới kịp thời phát hiện những suy nghĩ lệch lạc, hành động tiêu cực hoặc những mối quan hệ đáng nghi ngờ trên không gian mạng của con để kịp thời góp ý, nhắc nhở con sửa đổi, chấn chỉnh, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cùng với gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các nguy cơ xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Trước hết, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em để các học sinh biết và phòng tránh. Đặc biệt trong thời gian tới, các trường học cần triển khai có hiệu quả việc đưa Luật An ninh mạng vào nội dung học của môn Giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định mới của Bộ
GD-ĐT. Theo đó, nhà trường cần tăng cường các tiết học, cũng như các buổi nói chuyện chuyên đề về những rủi ro, nguy cơ bị xâm hại trong môi trường mạng; kỹ năng phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em ở ngoài đời thực cũng như trên không gian mạng; cách nhận biết, khả năng tự bảo vệ, ứng phó trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng, trong đó có tội phạm xâm hại tình dục...

Một khi trẻ em luôn được quan tâm, được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng sử dụng MXH, các em sẽ có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro trên không gian mạng.   

Đặng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều