Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị cho mùa Tết giai đoạn "bình thường mới"

07:01, 03/01/2021

Tết Tân Sửu 2021, xét về góc độ thị trường hàng hóa, là một mùa Tết "đặc biệt". Đặc biệt bởi không chỉ là mùa mua sắm lớn nhất năm của người Việt Nam mà Tết Tân Sửu còn là cái tết đầu tiên ở trạng thái "bình thường mới" - vừa chống dịch

Tết Tân Sửu 2021, xét về góc độ thị trường hàng hóa, là một mùa Tết “đặc biệt”. Đặc biệt bởi không chỉ là mùa mua sắm lớn nhất năm của người Việt Nam mà Tết Tân Sửu còn là cái tết đầu tiên ở trạng thái “bình thường mới” - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới và vaccine phòng dịch vẫn chưa thể tiêm đại trà.

Có nhiều lo lắng, băn khoăn về sản xuất và kinh doanh hàng tết xoay quanh nhận định người tiêu dùng sẽ cân nhắc và chi tiêu tiết kiệm hơn nếu bản thân họ và gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp và bị giảm thu nhập do đại dịch Covid-19. Song, ở một khía cạnh khác, những người kinh doanh hàng hóa lại kỳ vọng mùa mua sắm Tết Nguyên đán sắp tới, sức mua sẽ tăng mạnh vì một nguyên nhân đơn giản: các đường bay thương mại quốc tế vẫn đang ở trạng thái “đóng” và khả năng cao người tiêu dùng sẽ chỉ có một lựa chọn là “ở nhà ăn tết” thay vì đổ xô đi du lịch và mua sắm ở nước ngoài như trào lưu những năm gần đây. Do đó, đây chính là một dịp khá tốt để kích cầu mua sắm nội địa, chia sẻ khó khăn với nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, kinh doanh dịch vụ… vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn thử thách trong năm 2020 vừa qua.

Hiện tại, các dây chuyền sản xuất tại những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tết đang vào mùa, chạy hết công suất để kịp “đổ” hàng lên kệ. Năm nay, tình hình khó khăn do dịch bệnh đã làm hạn chế khá nhiều đơn hàng xuất khẩu, do đó tiêu thụ nội địa đã và đang trở thành giải pháp khả thi mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Vậy nên “sân chơi hàng tết” cũng sẽ trở thành một sân chơi có tính cạnh tranh cao, nhất là khi hàng hóa trong nước đang bị cạnh tranh sát sao từ hàng nhập khẩu đến từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…, và khi tâm lý “sính ngoại” trong mua sắm vẫn còn phổ biến.

Chính vì vậy, cần có một sự chuẩn bị chu đáo cho mùa tiêu thụ hàng hóa và sử dụng dịch vụ lớn nhất năm này, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng Việt, bởi theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để họ khẳng định thương hiệu và chất lượng hàng hóa của mình. Hiện tại, nhiều hệ thống phân phối hàng hóa lớn như: Sài Gòn Co.op, BigC… đã dành những vị trí tốt nhất trên kệ hàng tết của mình và xem đây là sự ưu tiên thiết thực nhất đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Ở vị trí của mình, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú tâm đến mẫu mã, chất lượng, giá cả, khẩu vị… để thực sự “lấy lòng” được người tiêu dùng, không chỉ trong mùa mua sắm tết ở trạng thái “bình thường mới” mà còn về lâu về dài khi đại dịch qua đi.

V.L

Tin xem nhiều