Sau khi tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp tại các địa phương đông dân cư trong tỉnh được quản chặt thì việc vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép giảm hẳn.
Sau khi tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp tại các địa phương đông dân cư trong tỉnh được quản chặt thì việc vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép giảm hẳn. Trong đó, có những căn hộ, biệt thự, nhà xưởng xây dựng trái phép ở các phường Hiệp Hòa, Tam Phước, Phước Tân... đã buộc phải tháo dỡ. Theo đó, nhiều cá nhân, hộ gia đình, cơ sở không còn dám liều xây dựng trái phép. Một số căn nhà xây dựng không phép được người dân, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, một số dự án lớn có nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng lại ngang nhiên được xây dựng khi chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không sự bao che của một số cá nhân, đơn vị có chức năng? Bởi những dự án lớn, xây dựng rầm rộ trong thời gian dài từ vài tháng đến vài năm lại không được phát hiện kịp thời. Chỉ khi báo chí liên tục lên tiếng, chính quyền các cấp mới vào cuộc. Thế nhưng, đến nay, có những dự án đã bị phát hiện sai phạm cả 2-3 năm vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Xung quanh việc 3 dự án xây dựng trái phép lớn ở Đồng Nai cũng có hai luồng quan điểm trái chiều. Phía UBND tỉnh căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng những dự án phù hợp quy hoạch mà chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng đã xây dựng thì sẽ xử phạt chủ đầu tư. Đồng thời, tiến hành thu hơn 50% số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Sau đó, cho chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục của dự án mới được triển khai tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Còn những dự án không phù hợp quy hoạch, ngoài xử phạt hành chính sẽ buộc tháo dỡ.
Luồng ý kiến thứ hai, nhiều người dân cho rằng, các dự án trên phù hợp quy hoạch nhưng chưa làm xong thủ tục về đất đai, xây dựng đã thi công mà chỉ xử phạt rồi cho hoàn tất thủ tục và xây dựng tiếp sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Vì các nhà đầu tư có thể chấp nhận chịu phạt để xây dựng trước khi được cấp phép. Nhưng cũng có những ý kiến đánh giá, các công trình trên phù hợp quy hoạch và chỉ là nhà đầu tư làm các thủ tục chậm. Đôi khi cũng do các cấp có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng còn chậm, nhà đầu tư lo dự án kéo dài sẽ không hiệu quả nên đã xây dựng trước và tiếp tục xin cấp phép sau. Nếu buộc các công trình phải tháo dỡ, đợi khi hoàn thành thủ tục mới xây dựng lại từ đầu sẽ lãng phí.
Thực tế, các dự án lớn có rất nhiều sở, ngành, địa phương cùng theo dõi về tiến độ thực hiện. Để xảy ra các công trình lớn xây dựng không phép diễn ra trong thời gian dài là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý thiếu chặt chẽ. Hiện nay, Đồng Nai quy hoạch hơn 1,5 ngàn dự án, nếu không quản lý chặt thì vẫn có thể xảy ra những công trình xây dựng trái phép khác.
Hương Giang