Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 26-1, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 26-1, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội. (Ảnh: TTXVN) |
Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp. Đặc biệt, năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các vấn đề về an ninh phi truyền thống đã tác động nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước ta.
Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới được đẩy mạnh, kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn...
Trong bối cảnh đó, Ban chấp hành Trung ương đã tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra và đạt được những thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Ngay sau Đại hội XII, Ban chấp hành Trung ương đã lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với cách làm mới toàn diện, hiệu quả hơn; sớm chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình, Quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời, hiệu quả của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực.
Về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Trung ương đã lựa chọn 10 nội dung lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội đưa vào chương trình làm việc toàn khóa. Trên cơ sở đó, Trung ương đã chỉ đạo xây dựng đề án thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hằng năm đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, chủ động xác định chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ban chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm cho ý kiến đối với một số vấn đề chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền lãnh thổ...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Ban chấp hành Trung ương đã kịp thời ban hành nghị quyết xác định rõ chủ trương, giải pháp để thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình hội nhập quốc tế.
Về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Trung ương đã nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, phát triển năng lượng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về hợp tác đầu tư nước ngoài.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị hoàn thiện các đề án trình Trung ương cho ý kiến về định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra những chủ trương, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước diễn biến phức tạp, bất thường của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời có chủ trương, giải pháp xử lý cụ thể, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn quân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Kết quả đạt được đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
Chinhphu.vn