Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết định vẫn là sự chủ động, sáng tạo của giáo viên

12:11, 30/11/2020

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 được xác định là nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 được xác định là nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình GDPT mới sẽ không chỉ chú ý chuẩn bị cho học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học THCS mà còn chú ý yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Để đạt được mục tiêu này, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, xây dựng và hình thành những kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tinh thần sáng tạo, chủ động của giáo viên là yếu tố quyết định đến hiệu quả của chương trình.

Thực tế qua hơn 3 tháng triển khai chương trình GDPT mới cho thấy, khối lượng công việc mà giáo viên phải đảm trách gia tăng hơn nhiều so với chương trình cũ. Đó không chỉ đơn thuần là việc giảng dạy theo khung chương trình sẵn có mà giáo viên phải có sự tìm tòi, đổi mới để bài giảng thực sự sinh động, hấp dẫn, gần gũi với học sinh lớp 1. Bỏ qua những vấn đề còn vướng mắc về nội dung sách giáo khoa, giáo viên hoàn toàn có thể làm chủ được bài giảng theo phương pháp riêng của mình. Thành công của mỗi bài giảng chính là việc làm sao và làm như thế nào để hướng dẫn, huy động học sinh cùng tham gia, cùng khám phá từng bài học một cách tích cực và chủ động.

Tất nhiên, để tạo hứng thú cho học sinh không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi mỗi giáo viên phải thực sự nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm tòi, sáng tạo, đổi mới bài giảng. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào mỗi tiết học hay phát huy vốn sống của học sinh là rất cần thiết nhằm giảm thiểu sự nhàm chán, thiếu sinh động trong mỗi tiết học. Điều này sẽ làm giáo viên vất vả hơn, áp lực hơn nhưng lại có hiệu quả rõ rệt nhất.

Theo các chuyên gia giáo dục, nội dung, chương trình GDPT mới khá toàn diện, khuyến khích được khả năng sáng tạo của cả giáo viên và học sinh. Do vậy, dù còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả của chương trình nhưng có thể thấy rõ, ở đâu giáo viên chịu khó tìm tòi, sáng tạo, dám vượt ra ngoài khuôn khổ của sách giáo khoa, thì ở đó học sinh được thụ hưởng những bài giảng thực sự sinh động, hấp dẫn. Ngược lại, khi giáo viên còn thụ động, học sinh sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất... Do đó, rất cần sự hỗ trợ của các tổ, khối chuyên môn trong các trường học để giáo viên được chia sẻ những phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho đối tượng học sinh. Chỉ khi thầy hào hứng, sáng tạo trong giảng dạy thì trò mới phát huy hết được khả năng học tích cực của mình.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều