Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội

08:11, 01/11/2020

Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách quan trọng giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách quan trọng giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, số lượng người tham gia BHXH, BHYT ở Đồng Nai đang có xu hướng giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là một trong những vấn đề xã hội đang được Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp, với hàng trăm ngàn công nhân, người lao động; đồng thời cũng là một tỉnh có dân số đông thứ 5 toàn quốc. Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT đạt chỉ tiêu được Chính phủ giao hằng năm.

Tuy nhiên, bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là từ tháng 4-2020 đến nay, việc phát triển số lượng người tham gia BHXH, BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Số người tham gia BHXH, BHYT không tăng mà còn liên tục sụt giảm. Trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2020, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH còn thấp hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao từ 6,9-8,2%. Số người đến làm thủ tục đăng ký rút BHXH một lần vẫn không ngừng tăng.

Đây là một bài toán khó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân chứ không riêng của ngành BHXH, mới có thể ngăn chặn “làn sóng” sụt giảm số lượng người tham gia BHXH, BHYT.

Đồng Nai đang triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. BHXH tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020. Các ngành liên quan cũng phối hợp trong tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của người lao động...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong lúc này vẫn là công tác tuyên truyền để người dân, nhất là người lao động hiểu ý nghĩa sâu xa của việc tham gia BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống khi về già, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động... Do đó, trong công tác tuyên truyền phải phân tích thật cụ thể những thiệt thòi khi người lao động làm thủ tục rút tiền BHXH một lần, ngưng không tham gia BHYT. Đừng vì lợi ích trước mắt để có tiền trang trải cuộc sống mà quên đi lợi ích lâu dài của BHXH là mất khoảng thời gian tham gia BHXH, không có lương hưu khi về già.

Trước mắt, để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT cần có những chính sách thiết thực hơn như: hỗ trợ đóng tiền BHXH, BHYT cho người lao động trong quá trình nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ hoặc tặng thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho ngày càng nhiều người dân tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Đ.N

Tin xem nhiều