Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ Long Thành, sông Đồng Nai, hồ Trị An... là những khu vực có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) vào loại nhất Đồng Nai, bao gồm cả hệ động - thực vật trên cạn lẫn dưới nước.
Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ Long Thành, sông Đồng Nai, hồ Trị An... là những khu vực có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) vào loại nhất Đồng Nai, bao gồm cả hệ động - thực vật trên cạn lẫn dưới nước. Nhiều nghiên cứu, đánh giá cũng chỉ ra rằng, nhờ có những chính sách bảo vệ rừng sớm, hệ thống động - thực vật của Đồng Nai đang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về cả sự phong phú, đa dạng lẫn tính quý hiếm.
3. Cán bộ phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi quan sát âm thanh tiếng chim |
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển sự ĐDSH mà thiên nhiên ban tặng là một trong những trách nhiệm của Đồng Nai. Trách nhiệm đó không chỉ thể hiện ở thời hiện tại - khi rất nhiều khu vực có tính ĐDSH của cả nước đang bị “đe dọa”, mai một dần dần vì nhiều nguyên nhân - mà còn là trách nhiệm với tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thống kê - quan sát - gìn giữ - bảo tồn - phát triển sự ĐDSH của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung hiện đang đứng trước những thách thức lớn. Chẳng hạn như thách thức về thiếu nguồn lực. Bảo tồn và phát triển hệ động - thực vật (trên cạn lẫn dưới nước) đòi hỏi nhiều nguồn lực về cả tài chính lẫn nghệ, chuyên môn, nhân lực… Trong khi đó, thực tế nguồn lực cho công tác thống kê, bảo tồn đang rất thiếu thốn. Ví dụ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý một diện tích lên đến hơn 100 ngàn ha nhưng chỉ có… 8 cán bộ, nhân viên làm công tác thống kê, nghiên cứu.
Hiện nay, các khu vực có ĐDSH đang hoạt động theo cơ chế chung của quốc gia về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các đơn vị quản lý khu vực ĐDSH phải duy trì hoạt động điều tra, thống kê dữ liệu các loài và quản lý, bảo vệ. Song do thiếu nguồn lực nên đa số hoạt động quan trắc và giám sát ĐDSH chủ yếu được thực hiện thông qua các chương trình, dự án nhỏ lẻ do các đơn vị tự làm hoặc phối hợp với ngành chức năng khác để thực hiện, phương pháp giám sát thủ công dẫn đến số liệu không đồng nhất hoặc chưa đầy đủ.
Mới chỉ xét đến công tác quan trắc, giám sát, thống kê, việc bảo tồn ĐDSH đã có nhiều thách thức cần tháo gỡ. Song đó là bước đi đầu tiên và cần thiết để tiến hành tiếp những phần việc khó hơn như bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, Sở
TN-MT đề xuất và UBND tỉnh phê duyệt thiết lập mạng lưới quan trắc ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2030. Đây là nỗ lực của tỉnh trong xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường bởi tỉnh hiện nay đã có mạng lưới quan trắc môi trường nước (nước mặt, nước ngầm), đất, không khí. Mạng lưới này sẽ chưa thể hoàn thiện nếu thiếu quan trắc ĐDSH. Chỉ khi hoàn thiện được mạng lưới quan trắc ĐDSH ở mức căn bản thì những công tác tiếp theo mới có đủ dữ liệu, cơ cở thông tin để tiến hành.
Giữ gìn sự ĐDSH trong tổng thể nhiệm vụ lớn là gìn giữ môi trường sống đã và đang được tỉnh dành một sự quan tâm lớn. Bảo vệ môi trường cần đến một giải pháp tổng thể: từ hạn chế các ngành công nghiệp độc hại, hạn chế khai thác khoáng sản, bảo vệ hệ động - thực vật cho đến những đề án có tính “nuôi dưỡng” như: trồng cây gây rừng, bảo vệ thú quý hiếm… Chỉ khi thực hiện được giải pháp tổng thể đó một cách vững vàng từng bước một, thì môi trường sống lành mạnh, không ô nhiễm mới được giữ gìn cho thế hệ tương lai.
Vi Lâm