Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là một sự kiện tiêu biểu trong tiến trình hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề và để lại những bài học đặc biệt quý báu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là một sự kiện tiêu biểu trong tiến trình hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề và để lại những bài học đặc biệt quý báu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Vào đêm 22 rạng 23-11-1940, khắp các tỉnh, thành Nam kỳ, gồm tất cả 20 tỉnh và TP.Sài Gòn - Chợ Lớn đều có kế hoạch khởi nghĩa, trong đó có 56/75 quận, 50% số làng. Dù cuộc khởi nghĩa diễn ra không hoàn toàn như kế hoạch nhưng một số nơi giành được quyền làm chủ, gây cho địch một số thiệt hại, tạo được tiếng vang lớn trong dư luận quần chúng nhân dân. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng tiến bước cùng với các đoàn quân khởi nghĩa và tung bay trên nóc các trụ sở của chính quyền thực dân và tề xã.
Tuy thất bại song cuộc khởi nghĩa để lại những cứ liệu, trải nghiệm và bài học cách mạng sống động để Xứ ủy nói riêng và Đảng ta nói chung trưởng thành hơn, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là bản anh hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ. Lần đầu tiên, trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, kể từ sau Cuộc khởi nghĩa Trương Định, nhân dân Nam kỳ đã tiến hành một cuộc “động binh” với quy mô lớn chưa từng có. Cuộc “động binh” đó diễn ra rộng khắp Nam kỳ, làm thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào cả nước, hun đúc thêm quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Cùng với Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940) và Cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương (tháng 1-1941), khởi nghĩa Nam kỳ đã trở thành điểm son trong lịch sử dân tộc và cách mạng nước ta, như khẳng định của Đảng ta: “Là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị dập tắt nhưng run sợ trước khí thế cách mạng đang lên như triều dâng thác đổ, bọn thực dân Pháp đã vội vã dựng lên một trường bắn ngay tại TT.Hóc Môn (Gia Định). Ngày 28-8-1941, chúng thực hiện một cuộc tàn sát quy mô lớn, giết hại nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng của Đảng, của Xứ ủy Nam kỳ. Ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh tuyên dương “Đội quân khởi nghĩa Nam bộ đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch” và đã biểu dương “ý chí quật cường của dân tộc” và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, là huân chương cao quý nhất lúc bấy giờ.
Hiện nay, chúng ta có thể vận dụng các bài học của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vào điều kiện thực tiễn của đất nước. Chẳng hạn, trong quan hệ với các nước luôn đan xen thời cơ và thách thức, nếu chúng ta chỉ nhận thấy thời cơ mà không nhìn rõ thách thức hoặc nhìn chưa đầy đủ thì có thể dẫn đến trạng thái lạc quan thái quá mà thiếu sự cảnh giác và đề phòng các tình huống rủi ro. Trái lại, nếu chỉ thấy thách thức mà không nhận ra thời cơ có thể để mất cơ hội thúc đẩy sự phát triển đất nước hoặc tạo được mối quan hệ tích cực hơn. Không chỉ vậy, nếu chưa xác định được thời cơ một cách đúng đắn thì không có phương pháp ứng xử phù hợp, có khi để thời cơ trôi qua.
Hay với vấn đề nội lực, bản thân lực lượng cách mạng phải đủ mạnh với nhiều thành phần có thể phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp đồng bộ thì cách mạng mới có nhiều cơ hội thành công. Hiện nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta có thể tận dụng yếu tố luật pháp quốc tế, dựa vào mối quan hệ đan xen giữa các nước, nhất là các nước lớn, nhưng nhất định phải có nội lực đủ mạnh. Đó là kinh tế phải phát triển bền vững, làm tiền đề nâng cao khả năng quốc phòng, đồng thời phải bảo đảm sự ổn định chính trị, làm động lực cho việc phát huy sức mạnh tổng hợp cả các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao...
Có thể nói, việc khẳng định giá trị của khởi nghĩa Nam kỳ là tổng hòa sự ghi nhận, trân trọng sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước của dân tộc, cũng như ý nghĩa thực sự của cuộc khởi nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Những điều đó sẽ khiến Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trường tồn cùng lịch sử dân tộc!
Nguyễn Minh Hải