Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành 2 luật Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cũng như không đồng ý chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành 2 luật Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cũng như không đồng ý chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Do đó, Quốc hội thống nhất chuyển các nội dung này cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý, dời việc xem xét các dự án luật sang kỳ họp tiếp theo vào đầu năm 2021.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), sáng 16-11 - Ảnh: Quochoi.vn |
Một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là có cần thiết chuyển quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an như trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định hay không. Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn chưa nêu rõ, khi chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an thì Bộ Công an có tăng biên chế hay không, có tăng chi phí đào tạo hay không; cần làm rõ số cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe được sắp xếp thế nào? Số cán bộ hiện nay ở các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ làm gì trong thời gian tới?
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an là chưa phù hợp với việc xã hội hóa. Hiện nay, phần lớn cơ sở đào tạo lái xe đều đã được xã hội hóa và đang hoạt động khá hiệu quả, ổn định. Nếu để Bộ GT-VT hay chuyển sang Bộ Công an thì vẫn phải giao cho tư nhân làm nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học lái xe nên việc thay đổi ngành quản lý liệu có thực sự cần thiết.
Mặt khác, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Nghị quyết này nêu rõ: “Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe của Bộ GT-VT, trong thời gian qua, công tác này cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến an toàn giao thông như: chưa coi trọng việc trang bị kiến thức, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe; thiếu chặt chẽ trong công tác tuyển sinh; cắt xén chương trình dạy; chất lượng giảng dạy thấp... Đây cũng là vấn đề hết sức lo ngại.
Do đó, nhiều ý kiến nhất trí với việc “siết” chặt hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều cách để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên như: tăng cường giám sát chéo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sát hạch lái xe, đổi mới chương trình đào tạo, thi bằng lái xe..., chứ không nhất thiết phải chuyển thẩm quyền sát hạch lái xe, cấp GPLX từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an.
Bởi suy cho cùng, Bộ Công an hay Bộ GT-VT chịu trách nhiệm trong việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cũng không nằm ngoài mục tiêu làm thế nào để hạn chế tai nạn giao thông có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe; tránh phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà, thẩm quyền chồng chéo...
Đặng Ngọc