Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay đến trong bối cảnh khá đặc biệt: doanh nhân, doanh nghiệp cả nước đang "gồng mình" tìm cách vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay đến trong bối cảnh khá đặc biệt: doanh nhân, doanh nghiệp cả nước đang “gồng mình” tìm cách vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.
Những khó khăn đó có thể dễ dàng tìm thấy ở những nhà máy thưa người khi vào giờ cao điểm sản xuất do doanh nghiệp phải giãn bớt các ca sản xuất vì đơn hàng ít đi; các khu du lịch giảm nhân viên phục vụ, cắt bớt dịch vụ; bảng hiệu trả và cho thuê lại mặt bằng ở những tuyến phố đắt đỏ dày lên hẳn so với trước. Người ta cũng dễ dàng nhìn thấy những thách thức lớn trong điều hành chính sách khi danh sách doanh nghiệp xin nợ thuế, nợ tiền thuê đất, xin giãn nợ ngân hàng, danh sách người lao động mất việc xin trợ cấp do những khó khăn vì Covid-19... dài thêm.
Những báo cáo về con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp đã giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy, trong 9 tháng của năm 2020, có trên 78,3 ngàn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có hơn 8,7 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng của năm 2019.
Mặc dù vậy, trong 9 tháng của năm 2020, cả nước vẫn có gần 99 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, tuy giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 song đã là một “điểm sáng” khá ấn tượng - nghĩa là có rất nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội khởi nghiệp kinh doanh giữa bộn bề gian khó. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 40.910 doanh nghiệp (chiếm 41,3% cả nước) và số vốn đăng ký là 788.881 tỷ đồng (chiếm 55,2% cả nước).
Được ví von như “lực lượng xung kích” trên “mặt trận phát triển kinh tế”, là đội ngũ lãnh trọng trách và kỳ vọng trong việc đưa đất nước giàu mạnh hơn ở thời hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã và đang dần lớn mạnh hơn với nhiều tên tuổi, thương hiệu lớn không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm khu vực. Khái niệm “doanh nhân” với nội hàm “người khởi sự doanh nghiệp” cũng dần phổ biến hơn trong xã hội, doanh nhân được tôn trọng và được tạo nhiều điều kiện để làm giàu cho chính mình và cho đất nước.
Song hiện tại, trước những khó khăn thách thức, doanh nghiệp thực sự cần sự “tiếp sức” từ nhiều phía. Đó có thể là những chính sách trợ lực cấp kỳ từ phía Nhà nước đối với những khó khăn mang tính cấp bách, có thể là những chính sách mang tính nền tảng lâu dài nhằm tạo cơ chế ngày càng thoáng, rộng, chuyên nghiệp, hợp pháp hơn để doanh nghiệp làm ăn. Đó còn là sự chia sẻ mang “tính dân tộc” của người tiêu dùng như chọn đi du lịch trong nước hoặc chọn tiêu dùng hàng nội địa như một cách ủng hộ doanh nghiệp trong nước vượt khó và lớn mạnh hơn, không chỉ trong bối cảnh hiện tại mà còn về lâu dài, khi đại dịch đã đi qua.
Vi Lâm