Thời điểm này, công tác khắc phục thiệt hại sau bão. lũ ở các tỉnh miền Trung đang khẩn trương được tiến hành để mau chóng giúp người dân nơi đây trở về với cuộc sống bình thường. Cả nước đang chung tay, hướng về miền Trung bằng nghĩa đồng bào, tinh thần "lá lành đùm lá rách".
Thời điểm này, công tác khắc phục thiệt hại sau bão. lũ ở các tỉnh miền Trung đang khẩn trương được tiến hành để mau chóng giúp người dân nơi đây trở về với cuộc sống bình thường. Cả nước đang chung tay, hướng về miền Trung bằng nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Không ai bảo ai, mỗi người bằng trách nhiệm của mình, đã và đang làm tất cả những điều có thể chỉ với một mong muốn được góp sức nhỏ bé giúp cho người dân miền Trung vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Cộng đồng mạng đã rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh cụ bà hơn 90 tuổi ở Nghệ An lưng còng đi đôi dép lê đã mòn ôm thùng mì gói gửi xe cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Cụ bảo: “Bà có thùng mì ni thôi, nhờ các chú gửi vào cho đồng bào lũ lụt”. Ít ai biết rằng cụ sống neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng sẻ chia, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”...
Một cụ già khác ở Hải Dương cũng vì nghĩa đồng bào, gom góp được vài bộ quần áo cũ, mấy gói mì gửi gắm vào khúc ruột miền Trung. Trước khi đưa bao hàng cho đoàn cứu trợ, cụ dặn đi dặn lại “nhớ là có mấy gói mì ở dưới nha”...
Tại Đồng Nai, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chưa phát động ủng hộ đồng bào miền Trung, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện đã vận động quyên góp tiền, hàng và không quản hiểm nguy về ngay tâm điểm bão lụt như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tặng quà cho bà con. Những cái bánh chưng, bánh tét, gói mì hay bộ quần áo lành lặn giữa lúc hoạn nạn giúp bà con nơi đây cảm thấy ấm lòng.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhiều nơi trong tỉnh, bà con tự tổ chức các điểm nấu bánh chưng, bánh tét hay thu gom, phân loại hàng hóa để chuyển đến tận tay các đoàn cứu trợ chuyển đến miền Trung. Người có tiền góp tiền. Người không có tiền góp sức, góp công bằng việc bỏ nhiều ngày gói bánh, giặt lại mớ quần áo cũ vận động được rồi gói ghém cẩn thận. Nhiều người tự nguyện làm chân bốc vác cho Hội chữ thập đỏ địa phương xếp hàng lên các xe cứu trợ.
Cán bộ, công nhân, viên chức sẵn sàng ủng hộ từ 1 ngày lương trở lên. Công nhân tại các xưởng máy, không ai bảo ai đều ủng hộ lời kêu gọi của Công đoàn cơ sở đóng góp từ 20 ngàn đồng trở lên để gửi về miền Trung thân thương. Nhiều học sinh cùng với cha mẹ của mình đi vận động những bộ sách giáo khoa cũ để gửi cho bạn bè miền Trung chuẩn bị trở lại trường sau bão, lũ...
Tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn lại được lan tỏa, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng, cùng hướng về miền Trung vượt qua bão, lũ...
Minh Ngọc