Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân

09:10, 01/10/2020

Là tỉnh công nghiệp, lại ở gần TP.HCM nên nhiều năm qua, Đồng Nai chịu khá nhiều "sức ép" trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Là tỉnh công nghiệp, lại ở gần TP.HCM nên nhiều năm qua, Đồng Nai chịu khá nhiều “sức ép” trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Còn nhiều việc phải làm nhưng có thể thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc đưa các thiết chế cùng các hoạt động văn hóa về cơ sở, nhất là ở những khu vực đặc thù có đông công nhân, vùng sâu, vùng xa nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Theo ngành Văn hóa, nhiệm kỳ 2015-2020, trên địa bàn tỉnh, hệ thống các thiết chế văn hóa được đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Ở 11 huyện, thành phố đều xây dựng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa để tổ chức và duy trì những hoạt động mang tính cộng đồng. Đặc biệt, ở những địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Chơro, Mường… đều có thiết chế văn hóa phục vụ riêng cho đồng bào. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa được chú trọng góp phần giúp người dân được tiếp cận với nhiều loại hình, sản phẩm văn hóa mang dấu ấn của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Một kết quả nổi bật của ngành Văn hóa thời gian qua chính là công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Theo đó, Đồng Nai hiện có 1.500 di tích phổ thông và 57 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh, công tác bảo tồn, trùng tu di tích ở Đồng Nai còn có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, góp phần chỉnh trang, cải tạo nhiều di tích phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những kết quả thực chất và được người dân đồng tình, ủng hộ. Từ phong trào đã huy động được nguồn lực, sức mạnh trong nhân dân tham gia xây dựng ấp, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh… Tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ trong cộng đồng được củng cố, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để triển khai có hiệu quả những phong trào thi đua mang tính rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Là tỉnh tập trung đông công nhân nên những năm qua, việc tổ chức các hoạt động văn hóa cho người lao động được đặc biệt quan tâm. Dù chưa xây dựng được những thiết chế văn hóa xứng tầm nhưng thông qua hoạt động của tổ chức Công đoàn tại mỗi doanh nghiệp hay vào dịp lễ, kỷ niệm, người lao động được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực, góp phần giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi sau giờ sản xuất. Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình khu nhà trọ văn hóa không tệ nạn xã hội và tội phạm ngày càng được chú trọng, góp phần lành mạnh hóa đời sống người lao động, nhất là lao động nhập cư.

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng quá chêch lệch trong hưởng thụ văn hóa là mục tiêu lớn mà Đồng Nai đã và đang hướng đến. Đạt được mục tiêu này không đơn giản, nhất là trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua trên lĩnh vực văn hóa, hy vọng mục tiêu này sẽ sớm đạt được trong thời gian tới. 

     M.N

Tin xem nhiều