Đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Nguyễn Phú Trọng trong công tác PCTN.
Đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Nguyễn Phú Trọng trong công tác PCTN. Thực hiện chỉ đạo này cùng các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, cấp ủy các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó có Đồng Nai đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp về PCTN. Nhờ đó, trong thời gian qua, công tác PCTN đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo được dấu ấn tốt, được cán bộ, đảng viên và người dân đánh giá cao.
Tại Đồng Nai, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Theo đó, bên cạnh việc chú trọng thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, Đồng Nai còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước. Ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Đồng Nai còn thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi làm các hồ sơ, giấy tờ; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 có những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới. Đó là, có số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua hoạt động tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ tham nhũng còn kéo dài, còn vụ việc bị trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, còn bị đình chỉ vụ án, chuyển tội danh; hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý tham nhũng chưa cao...
Một trong những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, tồn tại nêu trên là vẫn còn một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng; chưa thực sự coi PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên...
Do đó, để khắc phục tình trạng này, hơn ai hết, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong công tác PCTN; chủ động tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương của mình. Vì trong công tác PCTN, việc phòng ngừa rất quan trọng. Một khi để xảy ra các vụ tham nhũng, việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng không phải dễ.
Bên cạnh việc tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện thì cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng; bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong PCTN mới đủ sức răn đe; có như vậy mới từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đ.N