Môn Tiếng Việt của chương trình lớp 1 mới có "nặng" hay không đang là chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận xã hội trong những ngày gần đây. Sau 1 tháng thực hiện chương trình, nhiều phụ huynh đã lên tiếng "than phiền" về một số vấn đề liên quan đến môn Tiếng Việt: môn học nặng, sách dùng nhiều từ địa phương gây khó hiểu cho trẻ, trẻ đang tập đọc mà đã phải thực hiện hoạt động đọc - hiểu...
Môn Tiếng Việt của chương trình lớp 1 mới có “nặng” hay không đang là chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận xã hội trong những ngày gần đây. Sau 1 tháng thực hiện chương trình, nhiều phụ huynh đã lên tiếng “than phiền” về một số vấn đề liên quan đến môn Tiếng Việt: môn học nặng, sách dùng nhiều từ địa phương gây khó hiểu cho trẻ, trẻ đang tập đọc mà đã phải thực hiện hoạt động đọc - hiểu...
Trước phản ảnh (và cả phản ứng) của phụ huynh, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần phải có thời gian đánh giá chương trình lớp 1 “nặng, nhẹ” ra sao. Nhiều lý do giải thích vì sao chương trình tiếng Việt lớp 1 mới năm nay lại khó đối với học sinh cũng đã được đưa ra: Thời gian học gián đoạn do dịch Covid-19 khiến trẻ chưa được chuẩn bị kỹ trước khi vào lớp 1; số tiết của môn Tiếng Việt lớp 1 mới nhiều hơn so với chương trình cũ nên trẻ phải học nhiều hơn; chương trình mới nên cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh đều bỡ ngỡ… Bên cạnh đó, việc giáo viên chưa được tập huấn đầy đủ các module trước khi dạy học chương trình mới cũng khiến cho việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Theo thiết kế của Bộ GD-ĐT, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giáo viên sẽ được tập huấn 9 module. Tuy nhiên, đến nay, khi chương trình đã áp dụng được 1 tháng thì giáo viên vẫn chưa được tham gia tập huấn module 2.
Tại Đồng Nai, trong những năm gần đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về phương pháp dạy học. Các phương pháp này được cho là phù hợp để triển khai chương trình GDPT mới. Đầu năm học này, Sở GD-ĐT cũng đã có công văn hướng dẫn, chỉ đạo về việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên, về phía giáo viên, mặc dù đang nỗ lực để dạy học chương trình mới nhưng tâm lý trông chờ được tham dự chương trình tập huấn chính thức của Bộ GD-ĐT là điều có thể thấy rõ.
Một nguyên nhân khác khiến cho chương trình lớp 1 mới trở nên nặng nề với học sinh, giáo viên và phụ huynh chính là chương trình được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày nhưng rất nhiều nơi lại chỉ có đủ điều kiện để dạy học 1 buổi/ngày (tối đa 6 buổi/tuần). Thời gian tại lớp học ít hơn khiến cho gánh nặng dồn về gia đình nhiều hơn. Bản thân phụ huynh lại không có nghiệp vụ sư phạm nên phải “vật lộn” với con trong mỗi giờ học là điều đương nhiên.
Mặt khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều phụ huynh còn nôn nóng, mong con nhanh biết đọc thông, viết thạo, sợ con không theo kịp bạn bè… nên đã thúc ép con học nhiều hơn. Do đó càng khiến cho trẻ “ngán” học chữ. Với những phụ huynh “bình tĩnh”, chấp nhận sự tiến bộ từ từ của con, chấp nhận lỗi sai của con để uốn nắn dần thì việc học chữ của trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng, thú vị hơn. Điều này không khó để nhận ra. Trên mạng xã hội, các phụ huynh có con học lớp 1 thường xuyên bàn về chủ đề này. Có thể thấy, những phụ huynh có quan điểm “mong sao hết lớp 1 con biết đọc, viết xấu cũng được” thì việc học của trẻ không bị áp lực. Với những phụ huynh nôn nóng muốn con luôn đọc đúng, viết đẹp, đúng ô ly… thì việc học thực sự trở thành áp lực không nhỏ.
Cần phải nói thêm rằng, chương trình GDPT mới chú trọng phát triển năng lực cho học sinh. Trong đó, riêng môn Tiếng Việt rất chú trọng kỹ năng đọc hiểu. Chương trình mới đã tăng cường kỹ năng này ngay từ lớp 1. Do đó, nếu nói chương trình mới “nặng” hơn chương trình cũ cũng không phải là vô lý. Tuy vậy, nếu soi chiếu vào định hướng phát triển năng lực của học sinh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn dụng ý của các tác giả viết sách. Trong thời điểm hiện nay, ngoài câu hỏi “chương trình lớp 1 mới “nặng” hay “nhẹ” thì vấn đề cần được chú trọng hơn chính là “dạy chương trình mới sao cho hiệu quả”.
Hải Yến