Những năm gần đây, lượng học sinh lựa chọn học trung cấp nghề sau THCS ngày càng nhiều. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 12 ngàn học sinh lựa chọn hướng đi này.Những năm gần đây, lượng học sinh lựa chọn học trung cấp nghề sau THCS ngày càng nhiều. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 12 ngàn học sinh lựa chọn hướng đi này.
Những năm gần đây, lượng học sinh lựa chọn học trung cấp nghề sau THCS ngày càng nhiều. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 12 ngàn học sinh lựa chọn hướng đi này.
Sự gia tăng lượng học sinh học trung cấp nghề phần nào thể hiện hiệu quả của công tác phân luồng, đồng thời cũng cho thấy định hướng nghề nghiệp của người dân đã có chuyển biến tích cực.
Học sinh, phụ huynh học sinh đã quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của thị trường lao động hơn là chỉ chăm chăm vào trường đại học. Tuy nhiên, nếu nhìn lại sĩ số đầu vào và đầu ra của mỗi khóa học, chúng ta sẽ thấy rằng tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học chưa cao. Đơn cử, tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, trong niên khóa 2017-2020, trường tuyển sinh được hơn 2 ngàn chỉ tiêu (gồm cả hệ trung cấp và cao đẳng) nhưng chỉ có hơn 1.300 học sinh duy trì học tập đến năm cuối. Theo đại diện nhà trường, có khoảng 30-40% học sinh trung cấp bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân chủ yếu là do các em không kham nổi việc học 2 chương trình cùng lúc và bị “rớt” lại ở chương trình học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Trong khi đó, mục tiêu chính của các em cũng như kỳ vọng mà gia đình các em đặt ra là tham gia học trung cấp nghề để có cơ hội học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, và cuối cùng là thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, khi không theo nổi chương trình văn hóa thì các em sẵn sàng bỏ học. Điều này gây nên sự lãng phí cả về tiền bạc lẫn thời gian cho chính các em. Không những vậy, các em cũng mất đi cơ hội có bằng nghề để tìm kiếm một việc làm ổn định.
Hiện nay, các trường chưa có công cụ để lần vết những học sinh bỏ học giữa chừng sẽ chuyển hướng đi học nghề ở một nơi mới hay sẽ tham gia vào thị trường lao động. Trong trường hợp tham gia lao động, các em chỉ có thể làm công việc phổ thông chứ chưa đủ kỹ năng để ứng tuyển những vị trí công việc của lao động qua đào tạo.
Những điều trên cho thấy, công tác hướng nghiệp, phân luồng bước đầu đã có kết quả nhưng chưa bền vững; chưa thực sự thay đổi được nhận thức, quan niệm về “thợ - thầy” của học sinh, phụ huynh học sinh. Điều này đòi hỏi công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS cần tiếp tục được cải thiện. Trong đó, yêu cầu lớn được đặt ra là người làm công tác hướng nghiệp phải giúp học sinh nhận ra thế mạnh của bản thân, hiểu được bản thân yêu thích công việc gì và có thể đáp ứng được những yêu cầu của công việc đó hay không.
Từ thế mạnh, mong muốn của bản thân, kết hợp với những hiểu biết về thị trường lao động, học sinh và phụ huynh học sinh sẽ đưa ra lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Chỉ khi các lựa chọn học trung cấp nghề xuất phát từ sự lựa chọn chủ động của bản thân thì các em mới kiên trì để theo đuổi đến cùng.
Mặt khác, việc giảm sút sĩ số đầu vào và đầu ra của các khóa trung cấp nghề cũng đặt ra trách nhiệm đối với chính các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng dạy chương trình văn hóa, các trường nghề cần phải giúp học sinh vững tin vào sự lựa chọn của mình.
Niềm tin này có thể được xây dựng thông qua số liệu minh chứng cụ thể về tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường; thông qua sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề.
Song song đó, các trường nghề cũng cần tiếp tục duy trì công tác hướng nghiệp cho học sinh. Trong quá trình học nghề, nếu các em nhận thấy bản thân lựa chọn ngành nghề chưa đúng thì có thể chuyển hướng chọn nghề khác phù hợp hơn. Trong trường hợp này, nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo sao cho học sinh được quyền chuyển tiếp kết quả một số module/ môn học để tiết kiệm thời gian, chi phí học tập…
Hải Yến