Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ luật học sinh bằng "trái tim ấm" của người thầy

09:09, 13/09/2020

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư "Quy định về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông". Bản dự thảo này đã nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội, đặc biệt với những ai quan tâm đến giáo dục trong nhà trường.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư “Quy định về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông”. Bản dự thảo này đã nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội, đặc biệt với những ai quan tâm đến giáo dục trong nhà trường.

So với Thông tư 08 đã được Bộ GD-ĐT ban hành cách đây hơn 30 năm (1988), dự thảo thông tư mới cho thấy những tư tưởng tiến bộ trong cách thức giáo dục học sinh. Những hình phạt “phản tác dụng” giáo dục như: nêu tên trước lớp, trước trường; buộc thôi học đã được xóa bỏ. Thay vào đó, những hình thức “kỷ luật tích cực” được đưa ra: khuyên bảo, động viên; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; tham gia hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa học tốt để cùng tiến bộ…

Để thực hiện được các hình thức kỷ luật đó, trước tiên, chính nhà trường và giáo viên phải có sự hiểu biết về “kỷ luật tích cực”. Bản thân giáo viên phải là những người có sự bao dung. Việc kỷ luật học sinh được thực hiện bằng chính “trái tim ấm” của người thầy chứ không phải bằng “cái đầu lạnh” của hội đồng kỷ luật. Làm được như vậy, quá trình kỷ luật học sinh vi phạm (nhất là đối với học sinh “cá biệt”) sẽ trở thành quá trình mà người thầy chinh phục học trò của mình. Tình yêu thương thể hiện qua hình thức kỷ luật tích cực chắc chắn sẽ có thể cảm hóa và giúp cho học sinh phạm lỗi vươn lên, trưởng thành.

Một trong những hình thức kỷ luật tích cực đáng chú ý trong dự thảo này là “tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý”. Đây là điều rất cần thiết nhưng sẽ là khó khăn mà không phải nhà trường nào cũng có thể thực hiện được. Trên thực tế, phần đông các học sinh có biểu hiện nổi loạn, hay phạm lỗi… thường rơi vào những trường hợp có bất ổn về tâm lý. Nguyên nhân chính thường là do gia đình bất hòa, bố mẹ ly hôn; đôi khi là do những vấn đề riêng tư, thầm kín của tuổi mới lớn…

Hỗ trợ tâm lý đối với những học sinh này là việc làm rất cần thiết. Vì chỉ khi giải quyết được cái gốc của vấn đề thì các em mới thực sự vượt qua được khó khăn của bản thân để có đời sống tinh thần khỏe mạnh, từ đó điều chỉnh tư duy, hành vi của bản thân theo hướng tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường học đều không có giáo viên được đào tạo căn bản về tâm lý học để đảm trách nhiệm vụ này. Vấn đề thiếu giáo viên tâm lý phụ trách tâm lý học đường dù đã được bàn luận rất nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết. Do đó, hình thức kỷ luật tích cực “tư vấn tâm lý” dù rất phù hợp và cần thiết nhưng sẽ không dễ thực hiện được.

Trong dự thảo, hình thức kỷ luật đang gây băn khoăn cho nhiều người là “tạm dừng học tập trên lớp (tối đa 2 tuần) để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm”. Theo đó, những người không đồng tình cho rằng, hình thức tạm đình chỉ sẽ gây gián đoạn, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Hơn nữa, hình thức kỷ luật này có thể sẽ phản tác dụng bởi khi hết thời gian tạm đình chỉ, học sinh có thể cảm thấy chán nản hơn và bỏ học. Tuy nhiên, những người đồng tình thì cho rằng, trong 2 tuần tạm đình chỉ đó, nhà trường vẫn phải lên kế hoạch giáo dục riêng và phối hợp với gia đình, địa phương thực hiện. Mục đích là giúp học sinh hiểu ra lỗi lầm của mình để sau này không vi phạm nữa. Mặt khác, thời gian tối đa 2 tuần là đảm bảo học sinh không bị nghỉ quá số ngày quy định và vẫn đủ điều kiện xét lên lớp…

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực là điều cần thiết trong quá trình giáo dục học sinh. Bởi lẽ, mục đích của kỷ luật là để giúp các em tiến bộ chứ không đơn thuần là để xử phạt các em. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo để thấy, việc áp dụng kỷ luật tích cực sẽ không phải là điều dễ dàng trong điều kiện thực tế của hầu hết các trường học hiện nay. Do vậy, các nhà trường và bản thân các thầy cô giáo cần có sự chuẩn bị, khắc phục khó khăn để có thể thực hiện đúng tinh thần nhân văn về việc kỷ luật học sinh mà dự thảo thông tư mới đưa ra.

H.Yến

Tin xem nhiều