Báo Đồng Nai điện tử
En

Để việc sử dụng điện thoại trong lớp học hiệu quả...

08:09, 23/09/2020

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, kể từ ngày 1-11, học sinh sẽ được phép sử dụng điện thoại trong lớp học phục vụ việc học nhưng phải được giáo viên đồng ý.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, kể từ ngày 1-11, học sinh sẽ được phép sử dụng điện thoại trong lớp học phục vụ việc học nhưng phải được giáo viên đồng ý. Nội dung này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm, những ý kiến trái chiều của dư luận xã hội. Cả hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình đều đưa ra những lý lẽ, những minh chứng thuyết phục. Nếu xét trong những hoàn cảnh cụ thể thì cả hai luồng ý kiến trái chiều nêu trên đều hợp lý.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ việc sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học sẽ đem lại hiệu quả hay… hậu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Về phía học sinh, nếu các em có ý thức và kỹ năng tốt để khai thác thông tin, tìm kiếm tài liệu thì việc sử dụng điện thoại sẽ hỗ trợ tích cực cho việc học tập. Nếu biết sử dụng, chiếc điện thoại có kết nối internet chính là phương tiện kết nối bản thân học sinh với kho tàng tri thức của nhân loại. Ngược lại, nếu chỉ sa đà vào các trò chơi game, mạng xã hội… thì chiếc điện thoại đó lại trở thành vật cản trong quá trình học tập của các em.

Về phía phụ huynh, rất nhiều gia đình mua điện thoại cho con để làm phương tiện liên lạc. Nếu khéo léo, chiếc điện thoại còn hỗ trợ các thành viên trong gia đình bày tỏ tình cảm với nhau một cách dễ dàng hơn thông qua tin nhắn, các bình luận trên mạng xã hội… Nhưng nếu không biết cách quản lý, phương tiện liên lạc đó sẽ là vách ngăn giữa các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, học sinh sử dụng điện thoại vào việc học có hiệu quả hay không thì vai trò rất lớn lại thuộc về giáo viên, thông qua quá trình thiết kế các hoạt động học tập, hướng dẫn học sinh tự học… Theo đó, nếu muốn học sinh dùng điện thoại vào mục đích học tập thì quá trình thiết kế bài giảng giáo viên phải lồng ghép được các nhiệm vụ mà ở đó học sinh có cơ hội dùng điện thoại để hoàn thành nhiệm vụ thầy cô yêu cầu.

Giáo viên phải là người có kỹ năng công nghệ thông tin tốt và phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Có như vậy, họ mới sử dụng được các ứng dụng hỗ trợ việc dạy và học. Thiết kế bài giảng, chọn lọc các ứng dụng phù hợp để thầy - trò tương tác với nhau qua điện thoại, máy tính một cách hiệu quả là điều không dễ dàng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải dày công tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế. Bù lại, các tiết học có sử dụng yếu tố công nghệ thường sinh động, hấp dẫn. Qua đó, học sinh tiếp thu bài cũng tốt hơn…

Việc sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương, điều kiện cơ sở vật chất của từng trường học. Quy định này có thể phù hợp với các trường học ở thành phố, nơi mà hầu hết phụ huynh đều có khả năng mua điện thoại thông minh cho con. Nhưng ở các vùng nông thôn, nơi đời sống kinh tế người dân còn khó khăn thì việc sử dụng điện thoại di động cho mục đích học tập sẽ khó có khả năng thực hiện.

Một điều khiến nhiều người băn khoăn là liệu quy định này có “mở đường” cho các công ty “bắt tay” với ngành Giáo dục ở một số địa phương để bán điện thoại di động, máy tính bảng vào trường học trên danh nghĩa sử dụng thiết bị tiên tiến phục vụ dạy học hay không? Thực tế, nhiều năm trước, việc “hợp tác” này đã manh nha và từng nhận được phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội.

Nhìn lại Thông tư 32 nêu trên, Bộ GD-ĐT nêu rõ, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học phục vụ việc học phải được giáo viên đồng ý. Điều này cho thấy vai trò, trách nhiệm của giáo viên là rất lớn. Với những giáo viên yêu thích sử dụng công nghệ thông tin, đây sẽ là một cơ hội để họ có nhiều sáng tạo hơn trong hoạt động dạy và học.      

H.Yến

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích