Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất sạch bắt nguồn từ "tiêu dùng sạch"

10:08, 30/08/2020

Sản xuất sạch, tiêu dùng sạch là những "từ khóa" được đề cập khá nhiều trong khoảng 2 thập niên gần đây, khi các quốc gia bắt đầu nhận thấy hậu quả của cả một giai đoạn dài "chạy" theo tăng trưởng kinh tế mà "quên" đi việc bảo vệ và tái tạo môi trường.

 

Sản xuất sạch, tiêu dùng sạch là những “từ khóa” được đề cập khá nhiều trong khoảng 2 thập niên gần đây, khi các quốc gia bắt đầu nhận thấy hậu quả của cả một giai đoạn dài “chạy” theo tăng trưởng kinh tế mà “quên” đi việc bảo vệ và tái tạo môi trường.

Về cơ bản, người ta có thể chọn nhiều giải pháp để cứu vãn những tác hại đến môi trường sống, như xử lý rác thải, trồng rừng, thu thuế khí thải... Song, chừng nào con người còn sản xuất và tiêu dùng, chừng đó khí thải, rác thải vẫn bị “tống” ra môi trường. Vậy nên, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch chính là một trong những hướng đi căn cơ nhất để bảo vệ môi trường. Thực tế, khái niệm “sạch” trong sản xuất và tiêu dùng có nội hàm khá rộng, bao gồm nhiều khía cạnh, góc nhìn và góc tiếp cận khác nhau. Tùy vào trình độ và thực lực của mỗi quốc gia, khái niệm này cũng sẽ khó đồng nhất.

Tại Việt Nam, khái niệm “sản xuất sạch hơn” lần đầu tiên được giới thiệu từ cách đây hơn 20 năm, với cách hiểu sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Đối với quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm thì sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải loại (nguồn: Bộ Công thương).

Đồng Nai cũng đã có hơn 10 năm triển khai và áp dụng chiến lược này trong sản xuất công nghiệp, nhằm hướng đến một nền công nghiệp “xanh” trong tương lai và không thể phủ nhận, tỉnh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về bảo vệ môi trường, kể cả việc áp dụng những chính sách cứng rắn trong thu hút đầu tư.

Riêng khái niệm “tiêu dùng sạch”, cũng có nhiều cách hiểu. Song, nôm na “tiêu dùng sạch” có nghĩa là người tiêu dùng cố gắng hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho môi trường, hạn chế các sản phẩm khai thác gây hại cho tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm có chứa chất độc hại hoặc không thể tái chế, các loại bao bì nhựa… Sự “ưu tiên” trong chọn lựa mua sắm của người tiêu dùng về lâu dài có thể định hướng cho các doanh nghiệp trong việc hạn chế các kiểu sản xuất gây hại cho môi trường.

Khó có thể “chuyển” hoàn toàn mọi hoạt động sản xuất sang trạng thái “sạch” một cách lý tưởng chỉ trong một thời gian ngắn, bởi nó đòi hỏi sự đồng bộ từ chính sách đến quan điểm và doanh nghiệp, đến nhu cầu của người tiêu dùng… Song, để trong tương lai, sản xuất sạch trở nên phổ biến và trở thành tiêu chí căn bản, thì ngay từ lúc này, mỗi người tiêu dùng tùy vào điều kiện của mình, cần “định hướng” cho nhà sản xuất, bằng cách bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như khi tiêu dùng sản phẩm, hãy chọn mua hàng của những nhà sản xuất quan tâm đến môi trường, bởi “sản xuất sạch” có thể bắt nguồn từ nhu cầu “tiêu dùng sạch”.      

V.L

Tin xem nhiều