Hằng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia đều nhóm họp để bàn bạc, thống nhất việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Cán bộ Công đoàn H.Trảng Bom thăm hỏi về tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động. Ảnh: N.Hòa |
Hằng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia đều nhóm họp để bàn bạc, thống nhất việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Mức lương trả cho người lao động được tính trong điều kiện làm việc bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Hiện mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo 4 vùng, căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội mà mức tiền lương trên thị trường lao động ở từng vùng. Khi nâng lương tối thiểu, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ phúc lợi trước đó của người lao động. Chính vì vậy, việc nâng lương tối thiểu vùng được người lao động rất mong đợi.
Tuy nhiên, năm 2020 là một năm có nhiều biến động đối với các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế toàn thế giới khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Số doanh nghiệp phá sản đang gia tăng và đi kèm với đó là lượng người lao động bị mất việc làm ngày càng lớn. Không ít doanh nghiệp đang cố gắng gượng để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Thế nhưng, nếu như tình hình dịch bệnh không được kiểm soát tốt, rất có thể cơ hội việc làm của người lao động sẽ bị thu hẹp lại.
Chính vì nguyên nhân khách quan này mà tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua đã có sự đồng thuận cao đối với đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Đây được xem là giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tìm biện pháp khôi phục sản xuất và đảm bảo việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp mong muốn, người lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn nhiều thử thách này.
Dù đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 của Hội đồng Tiền lương quốc gia còn phải chờ Chính phủ thông qua nhưng từ đồng thuận cao trong việc lựa chọn phương án này cũng cho thấy sự đồng hành, sẻ chia với doanh nghiệp trước khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, một bộ phận người lao động dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, rất mong chờ được tăng lương tối thiểu nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp vượt khó. Bởi hơn ai hết, người lao động hiểu rằng, chỉ khi “sức khỏe” doanh nghiệp ổn định, vị trí việc làm của mình mới được giữ vững và đảm bảo lâu dài.
Tuy nhiên, người lao động cũng bày tỏ mong muốn, đối với những doanh nghiệp ít bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, không viện lý do chưa tăng lương tối thiểu trong năm 2021 mà “quên” đi các chính sách, chế độ phúc lợi dành cho người lao động. Doanh nghiệp vẫn có thể tăng thu nhập, phúc lợi cho người lao động bằng những hình thức khác nhau nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ để họ yên tâm đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
MN