Trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nêu rõ TP.Biên Hòa sẽ là một trong những tiểu vùng đô thị trung tâm...
Trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nêu rõ TP.Biên Hòa sẽ là một trong những tiểu vùng đô thị trung tâm. Đồng thời, TP.Biên Hòa sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa tăng cường phát triển về thương mại, y tế, GD-ĐT, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung chuyển hàng hóa gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tận dụng khu vực ven sông Đồng Nai để phát triển du lịch cảnh quan sinh thái, văn hóa lịch sử. Căn cứ vào quy hoạch trên TP.Biên Hòa đã có những bước chuẩn bị để tiếp tục nâng tầm đô thị loại I trong 10-20 năm tới.
Một trong những bước chuẩn bị đó là TP.Biên Hòa đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, đất ở. Thực tế hiện nay, người dân sinh sống tại đô thị Biên Hòa ít còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhưng vì an ninh lương thực của quốc gia, TP.Biên Hòa vẫn còn giữ lại hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Việc giữ lại nhiều đất nông nghiệp cho một đô thị loại I, nơi có công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển nhanh đã không còn phù hợp. Vì nó sẽ cản trở thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác và khó tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố cũng như của tỉnh trong tương lai.
Cụ thể, TP.Biên Hòa có doanh thu từ lĩnh vực nông nghiệp rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ vài phần trăm trong tổng doanh thu của thành phố, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn chiếm gần 30% trong quy hoạch sử dụng đất. Thu nhập từ 1ha đất nông nghiệp cũng chỉ bằng 5-10% so với các loại hình khác. Do đó, giữ nhiều đất nông nghiệp ở đô thị loại I sẽ giảm giá trị, hiệu quả của đất đai và ngân sách nhà nước cũng mất đi nguồn thu lớn hằng năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh từng nhiều lần lưu ý trong các buổi làm việc với các địa phương về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là TP.Biên Hòa và các địa phương khác nên thuê đơn vị tư vấn giỏi kết hợp với địa phương tính toán kỹ và dự báo được tốc độ phát triển trong 5-10 năm tới để có quy hoạch sử dụng đất từng lĩnh vực cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Tuy vẫn phải giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng hiện Chính phủ, tỉnh cũng không bắt buộc các địa phương phải giữ đất nông nghiệp quá nhiều mà cản trở phát triển kinh tế, xã hội.
Do đó, TP.Biên Hòa đang phải cân nhắc giữa việc xóa dần hay giữ lại nhiều đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa); nếu giữ lại nhiều đất nông nghiệp thì đô thị loại I rất khó tăng tốc trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, giữ lại đất nông nghiệp nhiều cũng khó đáp ứng yêu cầu xây dựng TP.Biên Hòa thành một đô thị trung tâm của Vùng TP.HCM có công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển.
U.N