Báo Đồng Nai điện tử
En

Ra sức "dệt thêu"...

09:07, 09/07/2020

Cách đây hơn 30 năm, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và cho thấy sức sống bền bỉ cho đến nay. Đây là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.

Cách đây hơn 30 năm, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và cho thấy sức sống bền bỉ cho đến nay. Đây là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.

Nữ công nhân lao động luôn là một trong những đối tượng mà các cấp Hội sẽ tập trung tập hợp vào tổ chức Hội trong năm 2020. Trong ảnh: Nữ công nhân Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata) trong giờ làm việc
Nữ công nhân Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata) trong giờ làm việc

Đến năm 2010, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TLĐ về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Kể từ đó, phong trào liên tục được phát động qua từng năm, thu hút đông đảo lao động nữ từ thành thị đến nông thôn, từ công trường, nhà máy đến công sở hưởng ứng. Danh hiệu “2 giỏi” đã trở thành niềm tự hào, là giá trị tôn vinh của mỗi nữ CNVCLĐ trên mọi lĩnh vực công tác, lao động, học tập, trong xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tuy mang tính đặc thù về giới nhưng phong trào thi đua này lại được gắn chặt, hài hòa với các phong trào chung, bám sát đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cách thức tổ chức, triển khai phong trào, sự tham gia của lao động nữ mỗi nơi mỗi khác song điểm chung vẫn là thể hiện được vai trò, tiềm năng và sức sáng tạo của lao động nữ. Lao động nữ ngày càng tham gia tích cực vào thị trường lao động, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đất nước. Kết  quả điều tra lao động việc làm cho thấy, hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động đang có việc làm hoặc trong quá trình tìm việc, cao hơn nhiều so với mức trung bình chỉ 48% trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ, những định kiến giới và sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất và chưa được đánh giá đầy đủ. Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ hội đào tạo, trình độ, kiến thức, năng lực, chức năng làm mẹ, chăm sóc gia đình... của lao động nữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc của họ.

Với việc khích lệ, động viên lao động nữ thi đua, cùng làm tốt một lúc cả hai vai trò, đã có những băn khoăn liệu phong trào có “vô tình” tạo thêm gánh nặng cho chị em phụ nữ? Đồng thời, chưa khuyến khích được vai trò của nam giới trong chăm lo việc nhà, vốn đã được mặc định dành cho phụ nữ. Cách đặt vấn đề trên cũng dễ hiểu bởi lao động nữ đang chịu nhiều áp lực và tác động không nhỏ trong đời sống việc làm cũng như trong chính gia đình khi định kiến về giới chưa thể xóa bỏ hoàn toàn. Thế nhưng, không vì vậy mà phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mất đi ý nghĩa và giá trị vốn có. Ngược lại, quá trình triển khai phong trào đã góp phần để lao động nữ ngày càng khẳng định vị thế, tiềm năng, sức sáng tạo của mình tại nơi làm việc cũng như phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong mỗi gia đình. Với mỗi người phụ nữ, hạnh phúc từ công việc và từ tổ ấm của mình luôn song hành, xen lẫn, đó là cả quá trình nỗ lực, vượt khó. Và để có ngày càng nhiều lao động nữ “2 giỏi” thì không chỉ có sự nỗ lực, thi đua từ bản thân lao động nữ mà còn bởi nhiều yếu tố liên quan, trong đó có cả việc xóa bỏ khoảng cách giới...

Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua cũng đã hướng tới giải quyết các khoảng cách về giới còn hiện hữu, hướng tới đảm bảo rằng phụ nữ có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ đã và đang là động lực để mỗi lao động nữ phấn đấu vươn lên, phát huy tiềm năng, trí tuệ, ra sức “dệt thêu” để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều