Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, chính thức ra đời. Đây là cột mốc đánh dấu một thời kỳ báo chí mới ở Việt Nam: Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, chính thức ra đời. Đây là cột mốc đánh dấu một thời kỳ báo chí mới ở Việt Nam: Báo chí cách mạng Việt Nam.
95 năm nay, báo chí cách mạng luôn đồng hành với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước. Trong suốt hành trình ấy, nền báo chí Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Hiện nay, nền báo chí truyền thống đang phải chịu nhiều tác động bởi sự phát triển của khoa học - công nghệ. Chưa bao giờ, báo chí truyền thống lại đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt như những năm gần đây. “Đối thủ” của báo chí chính là truyền thông xã hội, mà nền tảng là các dịch vụ trực tuyến. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, mỗi người dân đều có thể tự tạo cho mình một tài khoản riêng và đưa tin như một tờ báo. Trong khi báo chí truyền thống bị giảm lượng độc giả thì các trang Facebook, YouTube cá nhân lại thu hút lượng lớn người xem. Hoạt động quảng cáo cũng dịch chuyển từ khối báo chí truyền thống sang các nền tảng trực tuyến khác.
Đáng nói là rất nhiều thông tin trên các trang tin điện tử, mạng xã hội không hề mang tính xây dựng, không phù hợp chuẩn mực đạo đức, thậm chí là bịa đặt, làm sai lệch sự thật khách quan. Điều này về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến tâm lý, chuẩn mực xã hội… Do đó, tìm cách bứt phá, “kéo” công chúng về phía mình không chỉ là yêu cầu tự thân mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan báo chí.
Hạt nhân nòng cốt thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển báo chí chính thống không ai khác ngoài lực lượng người làm báo. Để làm được điều đó, trước tiên nhà báo phải là những người biết hội nhập, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số. Nhà báo ngoài việc biết cách khai thác thông tin, có kỹ năng viết bài thì còn cần phải biết chụp hình, làm đồ họa, hiểu kỹ thuật trình bày báo…
Muốn làm được điều này, nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà báo cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị. Có như vậy, nhà báo mới có thể thực sự trở thành những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”.
95 năm là một mốc son đáng ghi nhớ, đáng tự hào đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với những người làm báo, trong niềm tự hào ấy, đây là dịp để mỗi người tự soi rọi lại chính mình để nhận thức rõ trách nhiệm của người cầm bút khi thể hiện mỗi tác phẩm báo chí. Đó cũng chính là trách nhiệm với công chúng báo chí, mà nói rộng ra, là trách nhiệm với dân tộc, đất nước.
Hải An