Đặt tên, đăng ký nhãn hiệu và tiến hành mọi thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền sử dụng, khai thác nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng mình sản xuất được cho là một trong những nghĩa vụ và quyền lợi cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm.
Đặt tên, đăng ký nhãn hiệu và tiến hành mọi thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền sử dụng, khai thác nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng mình sản xuất được cho là một trong những nghĩa vụ và quyền lợi cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và sức ép cạnh tranh đang diễn ra quyết liệt trong mọi ngành hàng.
Ai cũng hiểu, để xây dựng nên một nhãn hiệu hàng hóa uy tín, có chỗ đứng trên thị trường, được đối tác và người tiêu dùng thừa nhận là cả một quá trình kéo dài nhiều năm tháng với rất nhiều nỗ lực của doanh nghiệp. Làm nên một sản phẩm tốt đã khó, để sản phẩm đó được thị trường “biết tiếng, quen tên” và sẵn sàng bỏ tiền ra mua còn khó hơn gấp nhiều lần. Song vì chưa coi trọng khâu đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho mình (không chỉ đăng ký ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường thế giới) mà nhiều nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam bị xâm phạm ở nhiều mức độ. Đã có nhiều bài học khá “đau đớn” về việc các thương hiệu Việt Nam bị xâm phạm sở hữu, thậm chí bị “đánh cắp” ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Ở thời hội nhập, khi Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có “độ mở” lớn nhất hiện nay thì hợp thức hóa và đăng ký nhãn hiệu độc quyền trên nhiều thị trường trong và ngoài nước lại càng cần được quan tâm, chú trọng. Không ít lần, doanh nghiệp Việt Nam bị đánh cắp nhãn hiệu rồi đem đi đăng ký ở các thị trường xuất khẩu của chính mặt hàng đó, sau đó có thể dùng pháp lý để “ép” doanh nghiệp phải mua lại chính nhãn hiệu đó hoặc phải chấp nhận chia sẻ lợi ích thương mại tại những thị trường mà nhãn hiệu đó bị mất quyền.
Với một mạng lưới các thị trường xuất khẩu lên đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, những mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký nhãn hiệu, đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ hợp pháp thì cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để bảo vệ “đứa con” của mình tại tất cả các thị trường mà doanh nghiệp quan tâm. Điều này cũng được Chính phủ, các bộ, ngành lẫn các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rất nhiều lần. Một số hiệp định thương mại tự do quan trọng còn dành riêng nhiều phần để nói về các quyền sở hữu trí tuệ với nhiều điều khoản quy định về nhãn hiệu. Nhất là khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, nơi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực, ngành nghề, việc có thương hiệu riêng để đối tác lẫn người tiêu dùng nhận dạng được bảo hộ ở khía cạnh pháp lý là điều rất cần thiết, không thể bỏ qua. Đó cũng là cách tự bảo vệ mình hữu hiệu trong bối cảnh hội nhập đang trở thành “làn sóng” lớn mà khó có quốc gia hay doanh nghiệp nào có thể đứng “ngoài cuộc”.
Vi Lâm