Trước đây, vào thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, lĩnh vực vận tải hành khách gần như ngừng hoạt động trong khi vẫn phải trả hàng loạt chi phí như: phí đường bộ, tiền lãi ngân hàng, thuế...
Trước đây, vào thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, lĩnh vực vận tải hành khách gần như ngừng hoạt động trong khi vẫn phải trả hàng loạt chi phí như: phí đường bộ, tiền lãi ngân hàng, thuế... Chi nhiều nhưng không có thu khiến các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách rơi vào cảnh khó khăn. Đến nay, vận tải hành khách đã hoạt động trở lại nhưng tình hình cũng không mấy khả quan hơn vì lượng hành khách giảm sút nghiêm trọng.
Thực ra, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới khi Chính phủ buộc tạm ngưng tất cả các dịch vụ đi lại, hạn chế tập trung đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 thì ngành vận tải hành khách đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Bởi lẽ, lĩnh vực vận tải hành khách là loại hình đặc thù không những chịu nhiều tác động về kinh tế mà còn bị chi phối về tâm lý của khách hàng. Chừng nào người dân còn e ngại vấn đề đi lại thì ngành vận tải hành khách khó có thể phục hồi nhanh chóng.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, cho vay lãi suất 0% để trả lương, giãn thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, tạm dừng đóng bảo hiểm xã…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, HTX cho rằng, những giải pháp hỗ trợ đó chỉ có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng. Đối với các doanh nghiệp phải ngừng toàn bộ hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 như vận tải hành khách thì Chính phủ cần quan tâm, đưa ra phương án hỗ trợ linh hoạt hơn.
Với mục tiêu tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GT-VT cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; rà soát, ban hành giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó, nhằm đảm bảo tất cả các lĩnh vực giao thông, vận tải đều được phát triển bền vững trong “cơn bão” dịch bệnh.
Trong giai đoạn khó khăn, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, giải pháp từ Chính phủ thì đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới cung cách phục vụ; thực hiện tốt công phòng, chống dịch bệnh để xóa tan lo ngại, e dè về sự lây lan dịch bệnh, tạo được sự an tâm, tin tưởng của hành khách thì chắc chắc lượng khách sẽ tăng trở lại. Vì hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân, nhất là ở các đô thị, các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như ở Đồng Nai là rất lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa điều hành và công tác phục vụ. Cách làm này vừa có thể giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, vừa dễ dàng quản lý lại có thể giảm chi phí, nhân công. Từ đó, doanh nghiệp vận tải hành khách có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn, tạo đà cho hoạt động hiệu quả trở lại sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn, tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hải