Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là câu chuyện mới được đặt ra gần đây. Thực ra, vấn đề này đã đặt ra từ nhiều năm trước, khi những thách thức của thời đại, của hội nhập bắt đầu len lỏi vào từng mảnh ruộng, từng khoảnh vườn của những người nông dân.
Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là câu chuyện mới được đặt ra gần đây. Thực ra, vấn đề này đã đặt ra từ nhiều năm trước, khi những thách thức của thời đại, của hội nhập bắt đầu len lỏi vào từng mảnh ruộng, từng khoảnh vườn của những người nông dân. “Tái cơ cấu” không phải là một cụm từ chuyên môn xa lạ, hiểu một cách đơn giản, đó là sự sắp xếp, thay đổi, ứng dụng những cái mới hiệu quả hơn, loại bỏ những thứ cũ kỹ kém hiệu quả để phù hợp với những yêu cầu mới của thời đại, của thị trường và có sự phát triển bền vững hơn về mặt lâu dài.
Chính vì vậy, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải tái cơ cấu, nhưng đặc biệt với ngành nông nghiệp, “tái cơ cấu” cần được xác định là việc phải làm một cách liên tục, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong Quyết định 899, đặt nền móng chính thức cho quan điểm phải tái cơ cấu nền nông nghiệp, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài. Trong bối cảnh đề án này ra đời, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đã “va chạm” với nhiều đòi hỏi và thách thức từ quá trình hội nhập, qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đa số sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu và chưa đồng đều về chất lượng, thị trường nhỏ hẹp, xuất khẩu chưa thực sự mạnh mẽ và sức cạnh tranh yếu…
Đến năm 2017, sau gần 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành quả ấn tượng, trong đó có việc trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản nổi tiếng thế giới, xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn và nhất là, cùng với phong trào quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên cả nước cùng với đời sống nông dân thay đổi rõ nét, tốt hơn rất nhiều lần.
Cũng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1819, phê duyệt tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tiếp tục xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
Với Đồng Nai, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững rất được lãnh đạo tỉnh chú trọng, quan tâm. Bằng nhiều chính sách, tỉnh đã rà soát quy hoạch, lên chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp. Nhờ đó, Đồng Nai không những là địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới cả nước mà còn là tỉnh có “thương hiệu” về nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc gia như: tiêu, điều, cà phê, cao su, thanh long, xoài…, và cũng là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về sản lượng lẫn chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi.
Mặc dù vậy, hội nhập càng ngày càng sâu rộng và quá trình biến đổi khí hậu diễn ra mỗi lúc một khốc liệt hơn, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có sự thích nghi và thay đổi mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn thì mới tồn tại được. Trong đó, đổi mới và tái cơ cấu phải bắt nguồn từ chính những nông dân, doanh nghiệp đang tham gia sản xuất và phân phối nông sản, với sự hỗ trợ đắc lực về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Có như vậy, sự thay đổi đó mới hiệu quả và bền vững.
Vi Lâm