Cách đây gần 20 năm, H.Tân Phú là địa phương đầu tiên trong tỉnh khánh thành và đưa vào sử dụng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân ở địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Cách đây gần 20 năm, H.Tân Phú là địa phương đầu tiên trong tỉnh khánh thành và đưa vào sử dụng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân ở địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khỏi phải nói là người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số Châu Mạ, S’tiêng đã phấn khởi như thế nào, bởi từ đây họ có điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một.
Liên tiếp những năm sau đó, hàng loạt các nhà văn hóa rồi trung tâm văn hóa - thể thao được xây dựng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thông qua những hoạt động văn hóa, thể thao, dạy nghề... Việc tổ chức các tour kết nối cộng đồng cũng đã được thực hiện, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách. Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chơro, Châu Mạ, S’tiêng, Mường, Thái... trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá qua nhiều lễ hội độc đáo được phục dựng ngay tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các dân tộc ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Long Thành, Định Quán, Long Khánh...
Già làng Năm Nổi, “linh hồn” của đồng bào Chơro ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) trong lễ khánh thành Nhà dài dân tộc Chơro năm 2009 đã không giấu nổi sự xúc động và tự hào bởi đồng bào Chơro đã có riêng một thiết chế văn hóa để sinh hoạt. “Bọn trẻ bây giờ đã ít nhiều quên mất tập tục của dân tộc mình. Vì vậy, có nhà văn hóa, già và bà con lớn tuổi sẽ có điều kiện sinh hoạt, trao truyền vốn văn hóa truyền thống cho lớp trẻ” - già làng Năm Nổi bộc bạch.
Tính đến nay, Đồng Nai đã có 14 nhà văn hóa dân tộc được đưa vào sử dụng, cho thấy nỗ lực lớn của tỉnh trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số. Thế nhưng, cùng với thời gian, hoạt động của phần lớn các thiết chế văn hóa này chưa phát huy được hiệu quả, không còn sức thu hút người dân tham gia. Thậm chí, có nhà văn hóa nhiều năm liền không tổ chức được hoạt động văn hóa quy mô nào mà chủ yếu được sử dụng làm nơi hội họp...
Dĩ nhiên, trong thời điểm mà công nghệ số phát triển như hiện nay, điều này là hoàn toàn dễ hiểu nhưng lại không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động thiếu hấp dẫn của các nhà văn hóa. Cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí mua sắm trang thiết bị hạn chế, thiếu những chương trình hay, đáp ứng mong muốn của bà con các dân tộc thiểu số mới là nguyên nhân dẫn đến hoạt động cầm chừng ở những thiết chế văn hóa này.
Do đó, để các nhà văn hóa dân tộc phát huy hiệu quả, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh thì sự chủ động của các địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy những nhà văn hóa này “hồi sinh”. Bởi, chỉ có địa phương mới nắm rõ hơn ai hết nhu cầu, mong muốn của bà con là gì và đâu là giải pháp thực hiện những nhu cầu, mong muốn ấy một cách sát thực nhất để vừa đảm bảo giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa các dân tộc thiểu số, thu hút được đông đảo bà con tham gia, vừa khai thác được những giá trị về kinh tế, nhất là về du lịch tại những địa phương này.
Minh Ngọc