Đưa toàn bộ các cơ sở chăn nuôi vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung từng là chủ trương được thực hiện rộng rãi trên cả nước trong nhiều năm qua.
Đưa toàn bộ các cơ sở chăn nuôi vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung từng là chủ trương được thực hiện rộng rãi trên cả nước trong nhiều năm qua. Chủ trương này ở thời điểm mười mấy năm về trước đã đáp ứng được các tiêu chí thực tế phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh). Theo đó, Đồng Nai có 139 vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung với tổng diện tích trên 15,7 ngàn ha. Ban đầu, tỉnh chọn 10 vùng quy hoạch chăn nuôi có ưu thế phát triển tại các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực tiễn có những khó khăn trong việc bố trí nguồn lực đầu tư, nên tỉnh rút lại còn 7 vùng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy, quá trình thực hiện chủ trương “dồn” các cơ sở chăn nuôi về chung một khu theo quy hoạch trên thực tế có phát sinh nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, nếu nhiều trang trại, cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn (1 ngàn con/trang trại), lại được sắp xếp hoạt động tập trung trong một khu thì sẽ không đảm bảo vùng đệm an toàn dịch bệnh, khó quản lý được việc sử dụng kháng sinh và sản phẩm cũng không đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, khi các loại dịch bệnh bùng phát, nhất là khi dịch tả heo Châu Phi xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh như thời gian qua thì vùng chăn nuôi tập trung càng bộc lộ những bất cập lớn khi các khu chăn nuôi nhanh chóng trở thành những ổ dịch khổng lồ. Chưa kể xét tới các yếu tố về môi trường xung quanh, nếu không tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các khu này còn gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất… và nhiều hệ lụy kèm theo.
Xét về hiệu quả kinh tế, phải thẳng thắn thừa nhận thời gian qua, quy hoạch chăn nuôi theo dạng tập trung với mô hình như các KCN cũng không thu hút được các doanh nghiệp, cơ sở, trang trại chăn nuôi. Bởi, họ sẽ tốn kém chi phí di dời trang trại, trong khi tại các vùng chăn nuôi tập trung, giá đất và các chi phí như: điện, nước, xử lý môi trường cao, làm tăng giá thành chăn nuôi dẫn đến sản phẩm yếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Những bất cập kể trên không chỉ diễn ra tại Đồng Nai mà trong các năm qua, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng vấp phải.
Đầu năm 2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới. Trước đó, kể từ đầu năm 2019, về nguyên tắc, các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch chăn nuôi cũng hết hiệu lực vì tất cả các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào làm một theo quy định của Luật Quy hoạch. Và đây là lúc phù hợp để tỉnh có những định hướng và sự sắp xếp cụ thể cho ngành chăn nuôi, khi các doanh nghiệp, cơ sở, trang trại chăn nuôi đang thực hiện tái đàn sau dịch tả heo châu Phi. Không còn phát triển các vùng tập trung, không có nghĩa là cơ sở, doanh nghiệp được “thoải mái phá rào”, mà trái lại, việc rà soát, xem xét, kiểm tra, kiểm soát các yếu tố về môi trường, an toàn sinh học, các quy định về đất đai, nguồn nước… càng cần phải làm nghiêm túc, chặt chẽ hơn nhằm phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững.
Vi Lâm