Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ ''điểm nghẽn'' chế biến nông sản

08:03, 03/03/2020

Chỉ trong vòng vài chục năm, Việt Nam từ một nước có năng suất sản xuất nông sản thấp, đến nay đã vươn lên thành một quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu nông sản, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Chỉ trong vòng vài chục năm, Việt Nam từ một nước có năng suất sản xuất nông sản thấp, đến nay đã vươn lên thành một quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu nông sản, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, đằng sau những con số nổi bật nói trên là những “nỗi niềm” khi 90% nông sản Việt Nam vẫn đang xuất khẩu dưới dạng thô, chưa có nhiều thương hiệu nổi bật và đặc biệt, giá trị chưa cao do công nghiệp chế biến nông sản phát triển chưa xứng tầm với quy mô nông sản làm ra.

Vậy nên nhiều năm qua, đẩy mạnh công nghiệp chế biến luôn là định hướng lớn mà Chính phủ nói chung, các bộ, ngành địa phương nói riêng luôn đặt ra nhằm định hướng cho nông sản Việt Nam phát triển bền vững. Một ví dụ nhỏ để thấy sự quan trọng trong phát triển công nghiệp chế biến: tại Đồng Nai, trái xoài khi rộ mùa chỉ có giá bán trên dưới 10 ngàn đồng/kg, song một hộp xoài ngâm trên kệ hàng siêu thị chỉ sử dụng khoảng 200-300g xoài có thể được bán với giá 60-70 ngàn đồng tùy thương hiệu. Dĩ nhiên, để bán được với giá gấp nhiều lần giá 1kg xoài ban đầu thì đòi hỏi nhiều thứ: nhà máy chế biến, công nghệ, các khâu quảng bá và phân phối sản phẩm… Song, bất kỳ một nền nông nghiệp hiện đại nào đều sẽ “nhắm” đến sản phẩm chế biến để gia tăng giá trị, do đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thực tế, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, mì); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10% - nguồn: Bộ NN-PTNT).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, về mặt cơ chế chính sách thì hiện Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Trong đó, các chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Như vậy, muốn tháo gỡ “điểm nghẽn” về chế biến, để nông sản Việt Nam rộng đường hơn cho tiêu thụ (cả nội địa lẫn xuất khẩu) thì chính sách cần đi trước một bước. Nhiều doanh nghiệp đề nghị, chính sách cần thể hiện rõ sự quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trở thành đầu tàu trong lĩnh vực chế biến; cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nông sản quốc gia; hỗ trợ phát triển về khâu giống; đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó là các chính sách phát triển vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ về đất đai, tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, chính sách phát triển hạ tầng và hỗ trợ thông tin thị trường tiêu thụ… Tóm lại, khi và chỉ khi “hệ sinh thái” cho công nghiệp chế biến phát triển đồng bộ thì bài toán phát triển nông nghiệp bền vững mới được “giải”, chứ không đơn thuần chỉ là xây dựng những nhà máy đơn lẻ, manh mún.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều