Theo Công an tỉnh, trong 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2018), các vụ cháy trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần. Nhưng, đến năm 2019, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy (giảm 60% số vụ so với cùng kỳ năm 2018).
Theo Công an tỉnh, trong 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2018), các vụ cháy trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần. Nhưng, đến năm 2019, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy (giảm 60% số vụ so với cùng kỳ năm 2018). Qua đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Đồng Nai trong quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm từng bước kéo giảm các vụ cháy, giảm thiểu những thiệt hại do cháy xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm trong công tác PCCC ở Đồng Nai hiện nay là số vụ cháy năm 2019 có giảm nhưng số người chết và thiệt hại do cháy vẫn cao. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy này đều do chập điện, bất cẩn. Mặc dù ngành chức năng và các cơ quan truyền thông đã liên tục cảnh báo những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ nhưng phải thừa nhận một thực tế là còn một số người vẫn lơ là, chủ quan trong công tác phòng cháy.
Một thực trạng đang làm “đau đầu” lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh là các đám cháy cỏ, cháy bãi rác có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân các đám cháy này cũng xuất phát từ việc chủ quan của một số người trong việc đốt cỏ, rác thiếu sự kiểm soát hoặc vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi. Mỗi khi xảy ra các đám cháy cỏ, rác, cơ quan công an phải huy động lực lượng, xe chuyên dụng đến dập lửa. Có những vụ cháy bãi cỏ lớn, lực lượng PCCC phải dập lửa nhiều giờ liền.
Trong khi đó, giải pháp tốt nhất để hạn chế các đám cháy cỏ, rác chỉ cần mỗi người dân nâng cao ý thức trong quản lý nguồn lửa khi đốt cỏ, rác, không vứt tàn thuốc bừa bãi. Chỉ cần một hành động nhỏ nhưng rất có ý nghĩa trong việc PCCC trong khu dân cư và không làm tốn kém thời gian, công sức của lực lượng PCCC cũng như kinh phí dành cho việc chữa cháy.
Còn nhớ, tại buổi giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật PCCC trong các khu công nghiệp vào tháng 5-2019, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh về việc nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy. Trong đó phải chú trọng công tác phòng cháy tại chỗ để kịp thời giải quyết bước đầu khi có cháy, nổ xảy ra.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý, dù các doanh nghiệp có trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC nhưng điều quan trọng là phải biết sử dụng thành thạo các thiết bị đó, sẵn sàng ứng phó, xử trí nhanh khi có các tình huống cháy, nổ xảy ra. Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải thường xuyên cử nhân viên đi tập huấn, định kỳ tổ chức diễn tập chữa cháy; đồng thời các ngành chức năng của tỉnh cũng chủ động kiểm tra phương án PCCC của từng doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC.
Để từng bước nâng cao ý thức doanh nghiệp, người dân trong công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh đã và đang tiếp tục đến từng doanh nghiệp, khu dân cư để triển khai tuyên truyền pháp luật về PCCC, hậu quả của các vụ cháy, nổ; cách xử trí ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần tạo chuyển biến tích cực về hành động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác PCCC. Từ đó góp phần kiềm chế tình trạng cháy, nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đặng Ngọc