Giữa bộn bề những thách thức, khó khăn khi cả nước đang tìm mọi biện pháp phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19 thì rất kịp thời, Chính phủ cũng nhanh chóng ban hành nhiều chính sách trợ lực cho doanh nghiệp (DN) - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
Giữa bộn bề những thách thức, khó khăn khi cả nước đang tìm mọi biện pháp phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19 thì rất kịp thời, Chính phủ cũng nhanh chóng ban hành nhiều chính sách trợ lực cho doanh nghiệp (DN) - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp bách chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng).
Trước đó mấy ngày, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ gói giải pháp gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, giày da... Ngoài ra, còn có gói giải pháp giảm phí, lệ phí. Bộ Tài chính cho hay đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh.
Từ góc độ địa phương, là một địa bàn có sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh với sự đóng góp lớn của DN vào thu ngân sách hằng năm, Đồng Nai cũng đang nhanh chóng nắm bắt thông tin, ước lượng khó khăn, thiệt hại của DN để có các giải pháp ứng phó, đồng thời nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến từng ngành, từng lĩnh vực.
Ngoài những giải pháp cụ thể, rõ ràng, những hành động từ phía Chính phủ và lãnh đạo tỉnh cũng cho thấy sự “đồng hành” thật sự trước những khó khăn mà DN đang gặp phải.
Bên cạnh tác dụng giảm nhẹ gánh nặng cho DN một cách trực diện, dễ nhìn thấy, những gói giải pháp và tinh thần đồng hành đó còn giúp DN có thêm niềm tin để cùng nhau liên kết, vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trong kinh tế có một khái niệm gọi là “lời tiên tri tự đúng”. Nghĩa là giữa những bối cảnh đầy khó khăn như dịch bệnh, chiến tranh, nếu ai cũng tin một DN sẽ phá sản, thì ngân hàng sẽ ngừng cho vay, đối tác ngừng hợp đồng, nhà cung cấp không bán chịu, cổ phiếu bán tháo, chủ nợ tới siết tài sản… và cuối cùng DN đó sẽ phá sản thật dù trước đó hoạt động bình thường. Vấn đề này nằm ở niềm tin, tưởng mơ hồ nhưng luôn hiện hữu. Ở đây, khi DN, khi đối tác, khi người tiêu dùng và rộng lớn hơn là cả xã hội tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, sẽ gỡ khó, sẽ đồng hành với DN vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, thì ít ra, mọi hậu quả sẽ không xấu như khi DN phải tự “bơi” một mình giữa bộn bề thách thức.
Vi Lâm