Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hướng đúng để phát triển bền vững

09:03, 12/03/2020

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai lần đầu tiên "bắt tay" lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch.

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai lần đầu tiên “bắt tay” lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch. Đột phá lớn nhất là quy hoạch tỉnh sẽ thực hiện tích hợp hàng chục quy hoạch ngành vẫn tồn tại trước đây với mục tiêu tạo ra sự đồng bộ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xóa bỏ tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, quy hoạch tỉnh chính là quy hoạch quy mô nhất mà mỗi địa phương, trong đó có Đồng Nai sẽ thực hiện từ trước đến nay. Do đó, với cấp tỉnh, có thể gọi đây là “siêu quy hoạch”. Quy hoạch tỉnh là sự lựa chọn phương án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý. Chính vì vậy, đây được xem là “trục” xương sống, định hình hướng phát triển của tỉnh cả về kinh tế lẫn xã hội, ít nhất trong 10 năm tới.

Với vai trò đó, “siêu quy hoạch” này đòi hỏi phải có sự đánh giá đúng đắn, toàn diện các yếu tố, điều kiện phát triển và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự báo và xác định các mục tiêu phát triển để đưa ra các nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện. Quan trọng nhất, tất cả những yếu tố trên trong quy hoạch tỉnh đòi hỏi phải được thể hiện một cách cụ thể, khả thi và tương thích với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lâu nay, không ít quy hoạch sau khi được phê duyệt nhưng khi áp dụng vào thực tế lại trở nên… bất khả thi do việc lập quy hoạch, đánh giá, dự báo và đưa ra các mục tiêu phát triển có độ “vênh” lớn với thực tế. Những quy hoạch này không những gây lãng phí mà xét trên một khía cạnh nào đó còn làm kìm hãm, lệch hướng phát triển.

Do đó, đối với quy hoạch tỉnh, một quy hoạch mang tính tổng thể, bao trùm mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, sự đòi hỏi về tính cụ thể và chính xác còn được đặt ra ở một mức độ cao hơn nhiều.

Mặc dù vậy, quy hoạch tỉnh vẫn đòi hỏi những “độ mở” nhất định để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển. Như đã nói ở trên, quy hoạch tỉnh là sự lựa chọn phương án phát triển và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội. Nó được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng, các điều kiện phát triển và dự báo xu hướng phát triển. Đã có tính dự báo cho tương lai, tất nhiên không thể đòi hỏi sự chính xác kiểu toán học “một cộng một bằng hai” đối với quy hoạch tỉnh. Ngược lại, phải có những “độ mở” nhất định để có thêm “không gian” bổ sung cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thực tế. Có như vậy mới có thể hạn chế được nguy cơ quy hoạch trở nên lạc hậu so với thực tế phát triển. Từ đó làm chậm nhịp hoặc bỏ lỡ những thời cơ phát triển.

Đồng Nai cũng như các địa phương khác luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn xã hội là mục tiêu cao nhất. Để đạt được mục tiêu đó, quy hoạch tỉnh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, đòi hỏi ngay từ bây giờ phải lựa chọn và định hình được hướng phát triển đúng đắn và bền vững.

Lê Văn

 

Tin xem nhiều